SCIC lần thứ hai chào bán 3 triệu cổ phần tại BPS với giá khởi điểm cao ngất ngưởng
SCIC lần thứ hai bán đấu giá trọn lô 3 triệu cổ phần CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương, tương đương 30% vốn. Đáng nói, SCIC vẫn giữ nguyên mức giá khởi điểm cao ngất ngưởng so với mệnh giá.
Ngày 27/6 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần sở hữu tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương (BPS).
SCIC dự kiến bán đấu giá trọn lô 3 triệu cổ phần (30% vốn) nắm giữ tại doanh nghiệp này, với giá khởi điểm cả lô là hơn 142,3 tỷ đồng, tương đương 47.462 đồng/cổ phiếu, cao gấp gần 5 lần so với mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).
Đây là lần thứ hai trong năm nay, lô cổ phần này được SCIC rao bán. Hồi tháng 3/2023, SCIC đã rao bán lô cổ phần này cũng với mức giá hơn 142 tỷ đồng, song không có bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia.
Thời gian nộp phiếu tham dự chào bán cạnh tranh không muộn hơn ngày 26/3/2023 tại các đại lý chào bán cạnh tranh. Thời gian tổ chức chào bán cạnh tranh đó là vào 9h ngày 27/6/2023 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Nhà đầu tư nào “thế chân” SCIC sở hữu lô cổ phần nói trên sẽ trở thành cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu cao nhất tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương.
Theo cơ cấu cổ đông của BPS tính đến ngày 23/5/2023, ngoài SCIC (nắm giữ 30% cổ phần) chỉ có 4 cổ đông cá nhân là cổ đông lớn, nắm giữ trên 5% cổ phần BPS.
Cụ thể, ông Trần Danh, Thành viên HĐQT của BPS nắm 17,1% cổ phần, ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT nắm 6,46% cổ phần, ông Lê Hữu Nghĩa, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc nắm 10,76% cổ phần. Ngoài ra, một cá nhân có tên Trần Phong đang nắm giữ 6,3% cổ phần. Trong khi đó, 67 cổ đông cá nhân nhỏ lẻ khác nắm giữ phần còn lại.
CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tiền thân là Công ty Vệ sinh Mai táng huyện Thuận An, được thành lập năm 1985. Thời điểm đó, Công ty thực hiện các chức năng trong lĩnh vực vệ sinh mai táng, trực thuộc UBND huyện Thuận An, có trụ sở chính tại tỉnh Bình Dương.
Doanh nghiệp chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 14/4/2006. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ phục vụ tang lễ, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, phân phối nước giải khát và kinh doanh bất động sản.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 của CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương cho thấy, doanh thu thuần của công ty là hơn 1.009 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng của BPS cũng tăng mạnh từ 770 tỷ đồng (năm 2021) lên hơn 954 tỷ đồng (năm 2022), điều này dẫn đến lợi nhuận gộp của CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương đạt 54,4 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021.
Kết thúc năm 2022, CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 25,1 tỷ đồng, tăng gần 46% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 472,8 tỷ đồng, tăng 44% so với cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do ghi nhận thêm 88,5 tỷ đồng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành vào giá trị bất động sản đầu tư. Ngoài ra, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty tăng mạnh từ 12,7 tỷ đồng (cuối năm 2021) lên gần 41 tỷ đồng (cuối năm 2022) cũng góp phần làm tăng tổng tài sản cho Công ty.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của BPS tại ngày 31/12/2022 là 168,6 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2021, nợ phải của BPS tăng mạnh 75% lên 304,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ của BPS là doanh thu chưa thực hiện dài hạn 165,3 tỷ đồng, ghi nhận cho dự án Bắc Cống Vong. Dự án này có quy mô 45.919,7 m2, với 240 sản phẩm đất nền và khu bách hóa tổng hợp, khu chợ nông sản, tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng có thể được BPS hạch toán vào doanh thu trong tương lai.
Năm 2023, BPS dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh đột biến với doanh thu là hơn 1.075 tỷ đồng, lãi sau thuế 84,4 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với kết quả thực hiện năm 2022.