SCIC liệu có thoái nốt 41% vốn còn lại tại Licogi?

Hiện SCIC còn nắm giữ 41% vốn của CTCP Licogi, tuy nhiên trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 của công ty này có tên Licogi.

scic-lieu-co-thoai-not-41-von-con-lai-tai-licogi-antt-1684743886.jpg
SCIC còn nắm giữ 41% vốn của Licogi. Ảnh minh họa: Báo Đầu Tư.

Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 với tổng cộng 73 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả Tổng Công ty Licogi - CTCP (MCK: LIC, UPCoM). Được biết SCIC còn nắm giữ 41% vốn của Licogi. 

Licogi hiện có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước nắm giữ hơn 366,4 tỷ đồng. Cuối năm 2018, Bộ Xây dựng đã chuyển giao hơn 40,7% vốn điều lệ Nhà nước, tương đương với hơn 36,6 triệu cổ phần tại Licogi sang SCIC. 

Doanh nghiệp này nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn và chuyển giao giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, từ đó cho tới nay, việc thoái vốn Nhà nước tại Licogi vẫn chưa thành công.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính quý I/2023 của Licogi ghi nhận tổng doanh thu giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm trước, ở mức gần 400 tỷ đồng. Trong đó doanh thu tài chính giảm mạnh nhất, tới 97,5% xuống vỏn vẹn chưa tới 3 tỷ đồng; theo sau là phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm tới 70,5% xuống gần 9 tỷ đồng.

Tổng chi phí giảm 21,2% so với năm trước, ở mức 419 tỷ đồng. Kết quả cuối cùng sau khi trừ hết các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm hơn 23,5 tỷ đồng, trong khi thực hiện quý I/2022 lãi 17,6 tỷ đồng. 

Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh như vậy được công ty giải trình là do doanh thu hoạt động tài chính quý I/2023 của Công ty Mẹ giảm so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào Công ty liên doanh liên kết giảm do lợi nhuận từ CTCP Thủy điện Bắc Hà, CTCP Licogi 14 giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Tính tới cuối I/2023, Licogi ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 585 tỷ đồng, bằng 65% vốn điều lệ. Trong giai đoạn từ 2016-2022, Licogi chỉ ghi nhận năm 2019 có dòng tiền dương, còn lại đều âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Năm 2021, Licogi âm 435 tỷ đồng, còn năm 2022 âm gần 117 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính bán niên năm 2022,  Licogi bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Kiểm toán đưa ra cơ sở cho ý kiến ngoại trừ. Theo đó, đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” với tổng giá trị lũy kế hơn 394 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thịnh Liệt là một dự án kéo dài nên kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT