Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sự nghiệp kinh doanh của David Dương ở Việt Nam

Hà Thị Lưu Luyến

Trở về Việt Nam đầu thập niên 2000, công ty của David Dương đã xây dựng và vận hành Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước với vốn đầu tư hơn 420 triệu USD. Trong khi đó, Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An gặp nhiều vướng mắc.

David Dương tên đầy đủ là Dương David Trung được sinh ra tại Việt Nam sau đó cùng gia đình di cư sang thành phố San Francisco năm 1979.

Sống tại xử sở cờ hoa nhưng chứng kiến cảnh tượng rác thải ngập tràn thành phố mà không được phân loại, xử lý, cha con David Dương nảy ra ý định lập nghiệp.

Năm 1983, ông Dương Tài Thu (cha của David Dương) quyết định thành lập công ty Cogido Paper Corporation và giao cho con trai trưởng – David Dương làm giám đốc. Lúc bấy giờ công ty này hoạt động thu mua phế liệu, phân loại rác.

su-nghiep-kinh-doanh-cua-david-duong-o-viet-nam-1718978832.jpg
David Dương được mệnh danh là "vua rác"

Năm 1987, gia đình ông tiếp tục mở xưởng thu mua phế liệu ở thành phố San Jose. Sau một thời gian xưởng phát triển, một số công ty đã bắt đầu quan sát đến, bao gồm cả Norcal Waste Systems – công ty xử lý rác thải lớn nhất tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Họ đưa ra lời đề nghị mua lại công ty với giá vài triệu USD.

Sau hàng chục năm bôn ba lập nghiệp, ông thành lập Công ty xử lý chất thải California Waste Solutions (CWS - Hoa Kỳ), biệt danh "vua rác" cũng bắt nguồn từ đây.

Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước

Năm 2004, David Dương về nước đầu tư và thành lập Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Năm 2007, VWS xây dựng và vận hành Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) với vốn đầu tư hơn 420 triệu USD (khoảng 10.080 tỷ đồng). Đây là khu xử lý chất thải lớn nhất TP.HCM, xử lý gần 7.000 tấn rác/ngày, chiếm 70% lượng rác cả thành phố.

su-nghiep-kinh-doanh-cua-david-duong-o-viet-nam-2-1718978833.jpg
Trụ sở VWS tại huyện Bình Chánh, TPHCM

Gần đây, VWS tiếp tục đầu tư Dự án Chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước.

Hồi tháng 5/2024, VWS có báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án đốt rác phát điện sẽ được triển khai ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích 9 ha gồm 2 nhà máy với 4 lò đốt hoạt động, công suất thiết kế mỗi lò đạt 750 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư bỏ 30% vốn, 70% còn lại vay ngân hàng.

Dự án mới của VWS có thể sản xuất hơn 46 MW điện để đấu nối vào lưới điện quốc gia (đã khấu trừ điện tiêu thụ cho vận hành nội bộ và tổn thất).

Trong báo cáo tác động môi trường, VWS cho rằng, quá trình đốt rác thải sinh hoạt sẽ phát sinh một số chất ô nhiễm, phổ biến là bụi mịn, các hợp chất thuộc nhóm dioxin/furans, các hợp chất mang tính ăn mòn như HCl, SO2, NOx có khả năng gây mưa axit.

Số phận Khu Công nghệ Môi trường xanh còn bỏ ngỏ?

Bên cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, VWS còn đầu tư Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An tọa lạc tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008, với quy mô 1.760 ha và giao cho Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA) làm chủ đầu tư năm 2010.

Đến tháng 5/2015, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty VWSLA với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 600 triệu USD.

su-nghiep-kinh-doanh-cua-david-duong-o-viet-nam-3-1718978832.jpg
Lễ khánh thành hai cây cầu dẫn vào dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tháng 3/2019

Dự án được đầu tư xây dựng trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2025, xây dựng trên diện tích 1.308 ha (chiếm 74,31%), với số vốn ban đầu khoảng 450 triệu USD, chủ yếu xây dựng các hạng mục chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khu chức năng cho dự án và sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 30.000 tấn rác/ngày.

Giai đoạn 2 từ năm 2026-2035 sẽ xây dựng thêm trên diện tích khoảng 192 ha (chiếm 10,91%), trong đó tiếp tục mở rộng phát triển các khu chức năng đã triển khai trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 3 từ năm 2036-2050 tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 260 ha (chiếm 14,78%), để phát triển các khu chức năng đã triển khai trong các giai đoạn trước và có tính đến đổi mới công nghệ hiện đại.

Sau khi được giao đất, VWSLA đã đầu tư gần 20 triệu USD để tiến hành làm sạch mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng một số hạ tầng, bảo vệ phòng cháy chữa cháy và lựa chọn các đối tác nước ngoài thiết kế dự án,… đặc biệt là xây 2 cây cầu và đường dẫn vào Khu Công nghệ Môi trường xanh ngày 27/3/2019.

Trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án, VWSLA đã tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch nhiều lần theo yêu cầu và ý kiến đóng góp của TPHCM và tỉnh Long An. Việc điều chỉnh quy hoạch cho dự án đã được công ty thực hiện và lồng ghép vào quy hoạch chung của tỉnh Long An.

Theo phê duyệt, công trình dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2019. Tuy nhiên, tháng 7/2020, UBND tỉnh Long An gây bất ngờ khi cho biết đang tiến hành các thủ tục trình Chính phủ xin chuyển đổi 1.600/1760 ha sang đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại.

Theo UBND tỉnh Long An, lý do đề nghị thu hồi là khi lập dự án, tính toán ban đầu được định hình theo công nghệ thời đó là cần khu xử lý chôn lấp rác, nên phần diện tích đất thu hồi khá lớn.

Đến thời điểm năm 2020, việc chôn lấp rác đã lỗi thời, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, vì vậy Long An đã thay đổi và thúc đẩy nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ xử lý đốt, phát điện hiện đại. Diện tích cần để xây dựng nhà máy đốt rác chỉ khoảng 200 ha.

Do đó, Long An xin được phép chuyển đổi phần đất còn lại đã được giải phóng mặt bằng, khoảng gần 1.600 ha, hiện đang là đất sạch, rất thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại. Đây cũng là hình thức để trách lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Đến tháng 1/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định thành lập tổ công tác phối hợp giữa TP.HCM và Long An để rà soát, xử lý các vấn đề liên quan dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, xử lý các thủ tục pháp lý và những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh, bao gồm cả vấn đề liên quan đến chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, tổ công tác xác định quy mô và thực hiện công tác kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn tại khu đất rộng 200 ha (thuộc dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh) để đáp ứng nhu cầu xử lý rác sinh hoạt của TP.HCM và Long An, sau khi Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giảm quy mô diện tích Khu Công nghệ Môi trường Xanh.

Ngoài ra, tổ công tác cũng được giao rà soát, xác định các doanh nghiệp công nghiệp di dời từ trung tâm TP.HCM về khu đất 500 ha được bố trí làm khu công nghiệp tiếp nhận, thu hút đầu tư trong tổng thể khu đất rộng 1.761 ha của dự án. Đến nay, tỉnh Long An chưa có hướng giải quyết dự án phù hợp cho chủ đầu tư.

Ngoài sự nghiệp kinh doanh riêng, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Mỹ (VABA) David Dương còn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều tìm kiếm cơ hội đầu tư, đấu thầu hợp đồng tại Mỹ, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là kiều bào Việt Nam.

Hà Ly (t/h)