Sửa quy định quản lý, đấu giá, liên kết cho thuê tài sản công

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

sua-quy-dinh-quan-ly-dau-gia-lien-ket-cho-thue-tai-san-cong-antt-2-1677824999.PNG
Ảnh minh họa.

 

Thông tin từ Bộ Tài chính, Bộ này đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Mục đích xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công được tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản công tại doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy còn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó có các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí.

Trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác liên doanh, liên kết không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt Hợp đồng trước hạn. Quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này dẫn đến lúng túng trong xử lý. Chưa có quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê tài sản công, gia hạn Hợp đồng cho thuê tài sản công…

Bộ Tài chính lấy ví dụ, việc cho thuê tài sản được thực hiện theo hình thức đấu giá và cho thuê trực tiếp. Cho thuê trực tiếp áp dụng trong các trường hợp sau: Tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; Cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng điều trị...) thời gian dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục.

"Thực tế khi áp dụng quy định nêu trên, có trường hợp lợi dụng quy định cho thuê trong thời gian từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục để tránh việc đấu giá cho thuê tài sản. Đồng thời, việc xác định thế nào là hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn", Bộ Tài chính thông tin.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi lại 151/2017/NĐ-CP theo hướng việc cho thuê theo hình thức niêm yết giá được áp dụng đối với hai trường hợp. Một là cho thuê tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị trong thời gian dưới 30 ngày/1 lần thuê. Hai là cho thuê nhà, công trình, tài sản khác gắn liền với đất thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp trong thời gian dưới 15 ngày/1 lần thuê hoặc có giá trị gói thuê dưới 50 triệu đồng/1 lần thuê.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT