Tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2024, PGBank báo lợi nhuận hơn 151 tỷ đồng
Trong quý II/2024, PGBank đã tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức hơn 103 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 151 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024 mới công bố, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã PGB, sàn UPCoM) ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 28% lên 437 tỷ đồng.
Ngược chiều, ngân hàng lỗ 11,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong khi cùng kỳ vẫn có lãi hơn 8 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm hơn một nửa chỉ còn hơn 6 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng gần gấp đôi lên 19 tỷ đồng. Tương tự, chi phí hoạt động tăng 12,3% lên 201 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gấp đôi lên mức 103,5 tỷ đồng.
Kết quả, PGBank báo lợi nhuận trước thuế quý này đạt hơn 151 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, tăng 20%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 41% so với cùng kỳ lên mức 145,5 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 268 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, PGBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã hoàn thành 48% kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PGBank tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm lên 59.715 tỷ đồng. Trong đó, 36.342 tỷ đồng cho vay khách hàng, 18.490 tỷ đồng tiền vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác, 2.597 tỷ đồng chứng khoán đầu tư…
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PGBank tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 54.675 tỷ đồng. Trong đó,tiền gửi của khách hàng chiếm 37.392 tỷ đồng; tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác 15.857 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đạt 36.702 tỷ đồng, tăng gần 4 %. Về chất lượng nợ vay, tổng số dư nợ xấu chiếm hơn 958 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn đều giảm, riêng nợ nghi ngờ tăng 6%. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,8% xuống 2,6% trong nửa đầu năm nay.
Đầu tháng 7 vừa qua, PGBank bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm công bố thông tin.
Cụ thể, PGBank bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu gồm Nghị quyết số 125/2023/NQ-HĐQT ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự, Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐQT ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, về việc hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn; Nghị quyết số 01A/2023/NQ-HĐQT ngày 01/01/2023 vể việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan; Nghị quyết số 01A/2022/NQ-HĐQT ngày 01/01/2022 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan.
Phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã được kiểm toán; Ngân hàng phát sinh giao dịch với các bên liên quan (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, năm 2023; Ngân hàng đã CBTT không đầy đủ về giao dịch với đối tượng nêu trên theo quy định.
Cuối cùng, PGBank bị phạt 27,5 triệu đồng do Công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên (Ngân hàng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023).
Tổng số tiền PGBank bị xử phạt là 157,5 triệu đồng.