Tập đoàn Asanzo bị 'nhắc tên' vì nợ thuế hơn 52 tỷ đồng

Tập đoàn Asanzo "góp mặt" trong danh sách 611 doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế tại TP.HCM tính đến thời điểm tháng 8/2024.

Cục thuế TP.HCM vừa thực hiện công khai thông tin 611 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm tháng 8/2024 với số tiền hơn 6.982 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cũng bị "nhắc tên" khi nợ thuế hơn 52 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo được thành lập ngày 20/10/2016, có trụ sở tại phòng 903 Tầng 9 Tòa Nhà Flemington Tower 182 Lê Đại Hành, phường 15, Quận 11, TP.HCM.

Thời điểm mới thành lập, Asanzo có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, có 6 cổ đông sáng lập gồm: ông Phạm Văn Tam nắm giữ 90% cổ phần công ty, Công ty Cổ phần Điện tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản, ông Phạm Xuân Tình đều nắm giữ lần lượt 2% cổ phần của Tập đoàn Asanzo. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất linh kiện điện tử, ngoài ra còn sản xuất đồ điện dân dụng, thiết bị chiếu sáng, bán lẻ máy vi tính, thiết bị nghe nhìn,... Người đại diện pháp luật Asanzo là ông Phạm Văn Tam - Tổng Giám đốc công ty.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 6/2019, ông Phạm Xuân Tình là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Asanzo.

Tháng 6/2024, sau khi bị khởi tố về tội trốn thuế, ông Phạm Văn Tam- cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình Tổng Giám đốc, đã bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú thành bắt tạm giam.

Trước đó, VKSND tại TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT, Công an tại TP.HCM về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình về tội trốn thuế.

Tập đoàn Asanzo bị 'nhắc tên' vì nợ thuế hơn 52 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cơ quan điều tra xác định, ông Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký các Hợp đồng nguyên tắc giữa Tập đoàn Asanzo và Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn... để mua linh kiện, phụ kiện của điều hoà nhiệt độ. Những bộ phận này được đem về các nhà máy, kho lắp ráp thành điều hoà nhiệt độ hoàn chỉnh.

Số hàng này được Công ty CP Tập đoàn Asanzo bán lại cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ, mang thương hiệu Asanzo.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình chỉ đạo nhân viên không xuất hoá đơn, để ngoài số sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn thuế.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2017 đến quý II/2019, Công ty Asanzo có hành vi trốn thuế với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Được biết, đây là vụ án do Cục Thuế tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện khi thanh tra hoạt động chấp hành pháp luật về thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, trong giai đoạn từ khi thành lập (2016) đến tháng 7/2019.

Giữa tháng 10/2019, Cục Thuế có quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công ty này cho Cơ quan CSĐT Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Các cơ quan xác định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo có hàng chục công ty con. Pháp danh của các công ty con này được sử dụng để nhập hàng rồi bán lại cho Asanzo.

Asanzo và các công ty con sau đó mua bán lòng vòng. Cụ thể, Asanzo mua linh kiện, phụ kiện từ các công ty con, sau đó gia công lại một phần, lắp ráp thành thành phẩm rồi dán nhãn mác mang thương hiệu Asanzo, bán lại cho các công ty con khác.

Dù là mua linh kiện, phụ kiện nhưng Asanzo và các công ty thống nhất hoá đơn ghi là mặt hàng thành phẩm, để không kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt, khi bán hàng thành phẩm cũng không xuất hoá đơn.

Khánh Hân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT