Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam muốn chuyển nhượng vốn 8 công ty thành viên
Theo đề án cơ cấu lại doanh nghiệp đến hết năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến chuyển nhượng vốn tại 8 công ty thành viên. Trong đó có một số công ty niêm yết như: SIP, VRG, VIR, EIC...
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR, sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 29/3 tới.
Theo đó, trong năm 2024, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu và thu nhập khác hợp nhất 24.999 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.437 tỷ đồng, tăng 2%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 3% vốn điều lệ, tương ứng số tiền chi 1.200 tỷ đồng.
Tại đại hội lần này, GVR sẽ trình cổ đông 2 nội dung quan trọng: Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đến hết năm 2025; chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến hết năm 2025.
Theo đó, mục tiêu năm 2025, GVR đạt tổng doanh thu hợp nhất 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn 2021 – 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 25.075 tỷ đồng.
Số lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 là 82.848 người/năm, đến năm 2025 đạt 87.070 người và thu nhập bình quân khoảng 101 triệu đồng/người/năm.
Đáng chú ý, theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản đầu tư đến hết năm 2025, GVR sẽ chuyển nhượng vốn tại 1 đơn vị đang nắm cổ phần chi phối là CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng muốn thoái vốn tại 7 đơn vị không nắm cổ phần chi phối, trong đó có 4 công ty niêm yết gồm: CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG, sàn UPCoM); CTCP Du lịch quốc tế Vũng Tàu (mã VIR, sàn UPCoM); CTCP EVN Quốc tế (mã EIC, sàn UPCoM); CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP, sàn HoSE) và ba doanh nghiệp khác là CTCP Điện Việt Lào; CTCP Tổng công ty Xây dựng và Thủy lợi 4; CTCP BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.
Ngoài ra, GVR muốn chuyển đổi 4 đơn vị gồm Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Tạp chí Cao su Việt Nam, Trung tâm Y tế Cao su, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, GVR xem xét đầu tư thêm vốn để nắm giữ quyền chi phối tại CTCP Cao su Bến Thành. Cùng với đó, tập đoàn thực hiện giải thể Xí nghiệp Liên doanh Visorutex khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp thành viên tại Lào cũng nằm trong kế hoạch với việc sáp nhập Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay vào CTCP Quasa Geruco, Công ty TNHH MTV Cao su Quavan vào Công ty TNHH Cao su Việt Lào.