Tập đoàn F.I.T làm ăn ra sao?

Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Tập đoàn F.I.T lại là các khoản phải thu gốc hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh với các tổ chức có nhiều liên hệ với doanh nghiệp này.

Tập đoàn F.I.T làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (MCK: FIT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đột biến.

Theo đó, lũy kế nửa đầu năm nay, FIT đạt hơn 877 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 124,3 tỷ đồng, tăng trưởng 277% so với cùng kỳ năm ngoái.

FIT cho biết tổng lợi sau thuế bán niên năm 2024 tăng 91,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái do lợi nhuận sau thuế bán niên của công ty mẹ tăng 61,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế bán niên của các công ty con tăng 71,2 tỷ đồng.

Tập đoàn F.I.T được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, con số này được nâng lên thành 150 tỷ trong năm 2012. Một năm sau đó, FIT đã chính thức niêm yết 15 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội với mã FIT. Cũng kể từ đây, FIT liên tục đầu tư vào các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản như FIT Comestic, Nước khoáng Khánh Hòa, Westfood Hậu Giang, FIT Land,…đặc biệt có 2 khoản đáng chú ý là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và CTCP Dược phẩm Cửu Long (MCK: DCL).

Trong đó, FIT đã mua vào 16,13% cổ phiếu DCL của Dược phẩm Cửu Long từ tháng 1/2015 và có thời điểm tăng tỷ lệ sở hữu lên 74,61% (tháng 6/2018). Hiện nay tỷ lệ này là 58,05%. Còn đối với Nông nghiệp Cần Thơ, FIT trở thành cổ đông lớn vào tháng 8/2014 và đến tháng 5/2016 nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%. Đến tháng 6/2024, FIT nắm 41,07% vốn TSC.

Cũng như TSC hay DCL, mã FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T trên thị trường chứng khoán thường xuyên nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư, đặc biệt là giai đoạn 2021-2022 khi cổ phiếu đầu cơ lên ngôi. Tại ngày 12/3/2024, FIT có tới 22.438 cổ đông - là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn trên thị trường chứng khoán.

Khoảng thời gian này cũng là giai đoạn thanh khoản của FIT tăng đột biến, thường xuyên hơn 5 triệu đơn vị/ phiên, có phiên lên tới hơn 30 triệu đơn vị. Đi cùng là nhiều nhịp tăng giảm đan xen theo chiều hướng đi xuống, kéo giá FIT giảm tới 76% từ vùng 21.000 đồng/CP nửa cuối năm 2021 về còn quanh mức 5.000 đồng từ tháng 9/2022. FIT chốt phiên 4/9/2024 ở mức 4.220 đồng/CP.

Cùng với đó cơ cấu cổ đông của FIT cũng ghi nhận sự pha loãng đáng kể. Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.

Với FIT, biên bản AGM ngày 22/4/2021 ghi nhận có 19 cổ đông tham gia, chiếm 54,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, trong khi AGM ngày 26/6/2020, tỷ lệ này là 67,2%, còn trước nữa, tại AGM ngày 26/4/2019 là 63,26%, AGM 2018 đạt số tuyệt đối 100%. Dù vậy, những năm sau đó tập đoàn này liên tục tổ chức bất thành AGM lần 1 do số cổ đông tham dự họp đại diện dưới 50% tổng số phiếu biểu quyết của công ty. Tới AGM 2023 lần 2 tỷ lệ này là 47,36%, còn AGM 2024 lần 2 của FIT là 39,48%.

Cùng với đó, FIT cũng tích cực gia tăng vốn điều lệ, riêng giai đoạn 2021-2022, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 2.547 tỷ đồng lên 3.399 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trước; phát hành cổ phiếu trả cổ tức; phát hành cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư.

Sở hữu tệp doanh nghiệp thành viên đồ sộ nên quy mô tài sản, nguồn vốn của FIT cũng liên tục được nới rộng sau một loạt động thái chào bán cổ phần huy động vốn. Đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản đạt 7.423 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 5.908 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này nửa đầu năm nay là các khoản phải thu gốc hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh các tổ chức và cá nhân hơn 3.000 tỷ đồng, điển hình như CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (497,6 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Thương mại Phố Hiến Việt Nam (759 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Trí Việt (317,2 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Thương mại Trống Đồng (602,5 tỷ đồng); CTCP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư KVN Việt Nam (48,5 tỷ đồng).

Các hợp đồng hợp tác trên gồm 2 nhóm, nhóm 1 là có thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm, được đảm bảo bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các bất động sản mà bên đối tác đầu tư, FIT được hưởng lợi nhuận tại thời điểm cuối kỳ là 4,4-14,8%/năm. Còn nhóm 2 là không thời hạn, nhằm mục đích đầu tư bất động sản. Tỷ lệ góp vốn của FIT trong các hợp đồng từ 94,52% đến 95%.

Những cái tên trong số này ít nhiều đều có liên hệ với Tập đoàn F.I.T. Với Phố Hiến Việt Nam, doanh nghiệp này được thành lập vào giữa năm 2016 với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, riêng FIT góp 49%. Tương tự, vào cũng năm 2016, FIT cũng là cổ đông sáng lập nắm 49% vốn điều lệ Công ty Trống Đồng.

Tại ngày 30/6/2024, Dược phẩm Cửu Long đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,62% VĐL CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam; 2,13 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,12% VĐL Đầu tư Trí Việt; 19% vốn Công ty Trống Đồng. Bên cạnh đó còn có 10% vốn điều lệ KVN Việt Nam.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT