TCBS vượt kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, lập kỷ lục dư nợ margin
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TCBS đạt lợi nhuận trước thuế 3.869 tỷ đồng, vượt 4,5% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm. Dư nợ margin lập đỉnh mới ở mức hơn 25.483 tỷ đồng.
Theo công bố tại báo cáo tài chính quý III/2024, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 1.845 tỷ đồng với hầu hết các mảng kinh doanh đều có sự tăng trưởng.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu là mảng cho vay với 706 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Kết quả này là điều tất yếu khi tại thời điểm cuối III/2024, TCBS lập kỷ lục mới về dư nợ cho vay với hơn 25.483 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là dư nợ hoạt động ký quỹ (margin).
Một số mảng kinh doanh khác như bảo lãnh và đại lý phát hành đóng góp 307 tỷ đồng, tăng 7%; đầu tư tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đóng góp hơn 126 tỷ đồng, tăng 16%.
Dù đóng góp nhiều thứ hai trong tổng doanh thu với gần 487 tỷ đồng nhưng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại giảm 27%. Bên cạnh đó, doanh thu môi giới cũng giảm 9% về gần 134 tỷ đồng.
Các khoản chi phí của TCBS có biến động trái chiều. Trong khi chi phí hoạt động giảm 4% còn 140 tỷ đồng, thì chi phí tài chính lại tăng 62% lên gần 478 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 14% lên hơn 136 tỷ đồng.
Do đó, TCBS báo lợi nhuận trước thuế 1.097 tỷ đồng trong quý III/2024, giảm 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 878 tỷ đồng trong quý 3/2024, cũng "đi lùi" 4% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCBS mang về doanh thu 5.772 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 3.869 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (3.700 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của TCBS đạt gần 49.868 tỷ đồng, tăng gần 6.080 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% so với đầu năm.
Danh mục tài sản tài chính AFS có giá gốc 13.453 tỷ đồng, giảm 10,6% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết với 11.171 tỷ đồng; cổ phiếu niêm yết hơn 1.126 tỷ đồng, tăng 126% về giá trị đầu tư và đang tạm lãi 3%. Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp niêm yết giảm 975 tỷ đồng về giá trị đầu tư so với đầu năm.
Bên cạnh đó, công ty còn có gần 3.266 tỷ đồng tiền và tương đương tiền , giảm 29%; phải thu khác gần 1.559 tỷ đồng, giảm 42%. Trong khi đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), toàn bộ là tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng và còn lại không quá 12 tháng, ghi nhận hơn 2.031 tỷ đồng, tăng 57%.
Tổng nợ phải trả cuối quý III đạt gần 24.279 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn gần 18.251 tỷ đồng. Trong đó, 10.577,5 tỷ đồng là vay vốn bằng đồng USD và 7.673 tỷ đồng vay bằng VND.
Đáng chú ý, huy động từ trái phiếu dài hạn đạt hơn 3.873 tỷ đồng, cao gấp 4 lần đầu năm và gần 751 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn trong khi đầu năm không ghi nhận. Các trái phiếu có lãi suất 7,1 - 11,6%/năm.
Hà Ly