Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

'Thừa tiền' khó cho vay, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh

Phạm Thị Tâm

Việc "thừa tiền" khó cho vay khiến lợi nhuận quý III/2023 nhiều ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

thua-tien-kho-cho-vay-loi-nhuan-nhieu-ngan-hang-giam-manh-antt-1697711594.PNG
Ảnh minh họa

Bac A Bank

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, MCK: BAB, sàn HNX) là một trong những ngân hàng công bố BCTC quý III/2023 sớm nhất hệ thống thế nhưng kết quả kinh doanh kém hiệu quả khi hầu hết hoạt động đều "đi lùi".

Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 426,2 tỷ đồng, giảm 33% so với quý III năm ngoái. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ thu được hơn 23 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm gần một nửa còn 13,3 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác cũng giảm sốc tới 97% còn 2,6 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 18% lên mức hơn 35 tỷ đồng.

Về chi phí hoạt động cũng giảm 13%, còn gần 407 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BAB giảm 66%, chỉ còn hơn 105 tỷ đồng.

Trong quý, ngân hàng trích gần 34 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III/2023, Bac A Bank lãi trước thuế chỉ hơn 77 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn gần 64 tỷ đồng, cũng giảm tới 72% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý thấp nhất của Ngân hàng kể từ quý I/2016.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần Bac A Bank giảm nhẹ 1%, còn 1.645 tỷ đồng. Mặc dù được hoàn nhập tăng hơn 2 lần lên gần 41 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế 9 tháng vẫn giảm 23% so với cùng kỳ, còn hơn 551 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng giảm 22%, còn hơn 444 tỷ đồng.

PG Bank

Theo BCTC quý III/2023 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, MCK: PGB, sàn UPCoM), tất cả các mảng kinh doanh của ngân hàng trong kỳ này đều "đi lùi". Cụ thể, thu nhập lãi thuần ở mức 278,5 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động dịch vụ đem về gần 15 tỷ đồng, giảm 42%, hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ đem về 1,5 tỷ đồng, giảm 2,5 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục không phát sinh doanh thu ở mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư. Bên cạnh đó, lãi/lỗ thuần từ hoạt động khác cũng giảm 76% chỉ còn hơn 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động trong kỳ lại tăng 8,4% lên mức 188,3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 48% chỉ còn 114 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ở mức 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần PGB ở mức 959,2 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận trước thuế là 360,1 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PGB đạt 47.832 tỷ đồng, giảm 2,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và vàng bạc giảm 35% còn 215 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm một nửa còn 425,6 tỷ đồng; tiền vàng gửi các TCTD khác tăng nhẹ lên 12,8 tỷ đồng...

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong thời gian PG Bank liên tục có biến động thượng tầng. Sau khi Petrolimex thoái vốn, cổ đông lớn của ngân hàng này có sự xuất hiện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.

Ngày 23/10 tới đây, PG Bank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2023. Đại hội sẽ miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân đối với 5 thành viên HĐQT nêu trên đồng thời bầu bổ sung 5 thành viên mới.

VPBank

BCTC quý III/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 đạt hơn 3.117 tỷ đồng, giảm hơn 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính cũng đến từ sự sụt giảm nguồn thu chính của ngân hàng với thu nhập lãi thuần giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.837 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 3 quý năm nay.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, thu nhập lãi thuần tại VPBank đạt 27.132 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng.

Ở chiều huy động vốn, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng gần 35% so với đầu năm, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA/tổng huy động vốn lên mức 17%, giúp ngân hàng tối ưu chi phí vốn đầu vào.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý I/2022, ngân hàng này có khoản thu đột biến từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền.

Bạch Hiền (t/h)