Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm gần 117.000 tỷ đồng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt xấp xỉ 117.000 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản tăng 12,2%.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 13/7, Bộ Tài chính đã tổng kết về tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường.

tong-doanh-thu-phi-bao-hiem-6-thang-dau-nam-gan-117-000-ty-dong-1689309033.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Tài chính

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN quyết liệt ngay từ đầu năm. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70.300 tỷ đồng, trong đó miễn giảm 28.300 tỷ đồng, gia hạn 42.000 tỷ đồng.

Tổng chi NSNN ước đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn, đạt 65.200 tỷ đồng và tỉ lệ giải ngân đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt 27,75%.

Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng; trong đó miễn, giảm khoảng 79.000 tỷ đồng, gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. 

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

6 tháng đầu năm đã phát hành 179.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối NSNN cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.

Đối với thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt xấp xỉ 117.000 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản tăng 12,2%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 14,76%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 25,1%.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21 về bảo hiểm vi mô; xem xét, ban hành các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng để xem xét ban hành.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành tài chính đã thực hiện 31.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343.200 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. 

Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11.200 tỷ đồng (đã thu nộp 8.400 tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31.900 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT