Từ 11/5, giá xăng tiếp tục giảm sâu về quanh mốc 21.000 đồng/lít

Từ 15h ngày hôm nay (11/5), giá xăng giảm lần thứ ba liên tiếp với mức giảm khoảng 1.300 đồng/lít về quanh mốc 21.000 đồng/lít. Đây mức giá thấp nhất trong vòng 20 tháng.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/5, liên Bộ Tài chính - Công thương thực hiện điều chỉnh giá như sau: Giá xăng E5 giảm 1.300 đồng/lít, giá bán là 20.130 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 1.320 đồng/lít, giá bán là 21.000 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, giá bán là 17.650 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng đã giảm xuống thấp nhất 20 tháng. Mức giá thấp nhất được ghi nhận vào ngày 10/9/2021, giá xăng E5 RON 92 là 20.143 đồng/lít, giá xăng RON 95 là 21.397 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 13 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 5 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá với các loại xăng dầu ở mức 300 đồng/lít và không chi Quỹ bình ổn giá.

tu-11-5-gia-xang-tiep-tuc-giam-sau-ve-quanh-moc-21-000-dong-lit-1683791991.jpg
Từ 11/5, giá xăng tiếp tục giảm sâu về quanh mốc 21.000 đồng/lít

Liên bộ cho biết, thị trường xăng dầu thế giới đang chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như triển vọng không chắc chắn của kinh tế toàn cầu; dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay đang tiếp tục tăng và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng…Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm, riêng mặt hàng dầu mazut là tăng.

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 4/5, giảm 1.251 đồng/lít xăng E5 RON92, giá bán là 21.437 đồng/lít và giảm 1.319 đồng/lít đối với xăng RON95, giá bán là 22.320 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.143 đồng/lít còn 18.254 đồng/lít; dầu hỏa giảm 952 đồng/lít còn 18.528 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 334 đồng/kg còn 15.509 đồng/kg.

Khi thẩm tra báo cáo bổ sung kinh tế xã hội 2022, những tháng đầu năm 2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm cách tính giá xăng dầu hiện chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Uỷ ban Kinh tế nêu nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý, điều hành thị trường này. Dù nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Việc này dẫn đến thực tế nhiều cửa hàng bán lẻ đối phó bằng cách bán nhỏ giọt.

Mặt khác, mức chiết khấu (hoa hồng các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chi lại cho đại lý, cửa hàng bán lẻ) đã tăng trở lại trong tháng 2 sau thời gian dài giảm thấp, thậm chí 0 đồng cũng chỉ là giải pháp tình thế để các đầu mối giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn, chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch. Nếu trích quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn, giá trong nước sẽ cao hơn thế giới.

Trong bối cảnh Nghị định 95/2021 sau hơn một năm có hiệu lực bộc lộ những vướng mắc, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT