Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vì sao SCB xin dừng thu hồi dự án Đà Lạt Plaza?

Hà Thị Lưu Luyến

SCB cho hay, 3.377,5m2 đất dự án Đà Lạt Plaza đang là tài sản thế chấp cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư Oak Hill đang có dư nợ 734 tỷ đồng. Mặt khác, lô đất này đang bị ngăn chặn giao dịch do liên quan đến vụ án của Trương Mỹ Lan.

SCB lo mất khả năng thu hồi 734 tỷ đồng 

Trước thông tin dự án Đà Lạt Plaza nhiều khả năng sẽ bị chấm dứt hoạt động và thu hồi đất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, quyền sử dụng 3.377,5m2 đất dự án nói trên hiện đang là tài sản đảm bảo cho khoản cấp tín dụng của Công ty cổ phần Đầu tư Oak Hill tại SCB với dư nợ gốc tính đến cuối tháng 4/2024 là 734 tỷ đồng, theo hợp đồng thế chấp được ký vào ngày 15/11/2018.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, quyền sử dụng đất của thửa đất 3.377,5m2 thuộc dự án Đà Lạt Plaza được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho Công ty cổ phần Du lịch Delta, theo giấy chứng nhận ngày 2/11/2007.

Ông Hưng cho rằng, nếu dự án Đà Lạt Plaza bị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án thì sẽ khiến khoản vay với dư nợ đặc biệt lớn nêu trên không còn tài sản đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi nợ của SCB.

vi-sao-scb-xin-dung-thu-hoi-du-an-da-lat-plaza-1718784699.jpeg
Ảnh minh họa

Ngoài ra, đại diện SCB cho biết, quyền sử dụng 3.377,5m2 đất nói trên còn thuộc danh sách ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhượng theo yêu cầu của cơ quan CSĐT Bộ Công an do có liên quan đến các vụ án hình sự do bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đang được xử lý.

Cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và khắc phục hậu quả, đại diện Ngân hàng SCB kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng dừng xem xét thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án Đà Lạt Plaza cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Dự án chậm triển khai 35 tháng kể từ thời điểm được gia hạn

UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây có chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP Đà Lạt kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp khách sạn và trung tâm thương mại tại số 33 Phan Như Thạch, P.1, TP Đà Lạt (tên thương mại là Đà Lạt Plaza) của Công ty cổ phần Du lịch Delta (Công ty Delta).

Trên cơ sở đó, đối chiếu với các quy định của pháp luật về đầu tư để xử lý. Đồng thời, thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục để đề xuất chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lâm Đồng đã có Tờ trình số 171/TTr-STNMT ngày 03/5/2024 trình UBND tỉnh, đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao đất của Công ty Delta.

Theo đó, dự án Đà Lạt Plaza do Công ty Delta làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008. Dự án có quy mô 3.977,5m2. Mục tiêu xây dựng khu liên hợp khách sạn và trung tâm thương mại; công trình kiến trúc chủ yếu như khối tầng hầm, khối dịch vụ thấp tầng (trệt – lầu 3), khối cao tầng (lầu 4-14). Tổng vốn đầu tư dự kiến 267 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án Đà Lạt Plaza theo chứng nhận đầu tư là từ năm 2008-2010. Đến tháng 4/2019, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Delta gia hạn thêm 24 tháng đưa đất vào sử dụng, kể từ ngày 12/04/2019.

Đến ngày 24/03/2019, UBND tỉnh có văn bản điều chỉnh thời gian đưa đất vào sử dụng đã được gia hạn vào ngày 12/04/2019 đến hết tháng 12/2022. Lý do gia hạn là bù đắp khoảng thời gian chờ kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, có những lý do khách quan do phải lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc cho phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết, Công ty Delta được giao đất vào tháng 6/2007 để thực hiện dự án Đà Lạt Plaza; đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 12/2007 với diện tích 3.377,5m2. Đây là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, hạn sử dụng đến tháng 6/2057 và nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của UBND tỉnh vào tháng 01/2009, giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng vào tháng 04/2008 và tháng 08/2022.

Ngày 28/02/2024, Sở KH&ĐT đã cùng với các Sở ngành liên quan và Công ty Du lịch Delta họp rà soát tình hình triển khai dự án và xác nhận đến nay công ty chưa triển khai xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng tháng 08/2022. Dự án chậm tiến độ 35 tháng so với văn bản gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng ngày 12/04/2019, chậm 14 tháng so với văn bản điều chỉnh bù đắp dịch bệnh COVID-19 tháng 03/2021 của UBND tỉnh. Sở KH&ĐT cũng cho biết đại diện Công ty đã thống nhất các nội dung tại biên bản họp và đã ký xác nhận.

Ngày 01/03/2024, Sở KH&ĐT có văn bản rà soát tình hình triển khai dự án Đà Lạt Plaza cho thấy Công ty chỉ mới tiến hành rà phá bom mìn, khoan khảo sát địa chất, đo đạc hiện trạng và địa hình khu đất, chưa triển khai xây dựng hạng mục công trình.

Theo tìm hiểu, Du lịch Delta thành lập vào năm 2004 ban đầu do ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc. Ông Tùng đồng thời là Phó Tổng Giám đốc CTCP Quê Hương Liberty.

Ban đầu công ty có vốn điều lệ 60 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm CTCP Quê Hương Liberty nắm 35%, CTCP Bông Sen 35%, CTCP Du lịch Sài Gòn – Madagui 30%.

Từ đầu tháng 9/2016, ông Chung Hán Lương làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Cũng ở thời điểm này, cơ cấu cổ đông thay đổi khi Quê Hương Liberty rút hết vốn, Bông Sen giảm còn 0,1%, Du lịch Sài Gòn – Madagui nâng sở hữu lên 99,898%, ông Lương nắm 0,002%. Đến cuối tháng 9/2016, đến lượt ông Ngô Chí Thông làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Còn Công ty Oak Hill thành lập vào tháng 09/2018; trụ sở tại toà GIC, 90-92 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM; ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ 320 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm bà Võ Thị Phượng (giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 94%, bà Trần Thị Nụ 4%, bà Hồ Thị Ngọc Hoa 2%.

Hà Ly (t/h)