Vietnam Airlines được phép tăng vốn thêm 22.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu
Quốc hội thông qua việc cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV được thông qua chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Cụ thể, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện phần vốn của cổ đông Nhà nước) theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, Quốc hội chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (trong đó, bao gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024. Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/12024.
Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung phương án đề xuất; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai các giải pháp này.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó xem xét, bố trí trong kế hoạch kiểm toán 2024 - 2025 việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Vietnam Airlines nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Về hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, 9 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 85,466 tỷ đồng, tăng hơn 24.64% so sánh cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6,263 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tính đến thời điểm cuối quý III/2024 là âm 11.087 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức âm 17.026 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong khi đó, lỗ lũy kế giảm từ 41.057 tỷ đồng còn 35.226 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo đề án, trong năm 2024-2025 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Hãng bay đang chuẩn bị sớm kế hoạch hoạt động đáp ứng nhu cầu hành khách quý IV/2024 và đầu năm 2025 như chủ động theo dõi diễn biến thị trường, điều hành tải cung ứng hợp lý trong các giai đoạn thấp điểm, cao điểm dịp Noel và Tết dương lịch; triển khai công tác tiếp nhận máy bay, dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp, triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi cấu hình máy bay Airbus A321CEO…
Hoàng Lam (t/h)