Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 36.500 tỷ đồng, kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục tại BCTC soát xét bán niên

Hà Thị Lưu Luyến

Tại BCTC soát xét bán niên 2023, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 1.386 tỷ đồng, qua đó đẩy lỗ lũy kế lên mức 36.595,4 tỷ đồng cùng với đó, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp âm 12.512 tỷ đồng. Tại báo cáo, kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục của hãng bay.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã : HVN, sàn HoSE) vừa công bố BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023.

Tại BCTC soát xét hợp nhất bán niên 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu không thay đổi quá nhiều so với báo cáo tự lập. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đã tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, giảm lỗ gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản mục khiến hãng hàng không quốc gia lỗ nặng hơn đến từ chi phí bán hàng tăng từ 2.007 tỷ đồng lên 2.109 tỷ đồng và lỗ khác tăng từ 128 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng.Theo giải trình, nguyên nhân giảm lỗ chủ yếu do công ty mẹ giảm lỗ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.

vietnam-airlines-lo-luy-ke-hon-36-500-ty-dong-kiem-toan-luu-y-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-tai-bctc-soat-xet-ban-nien-1703910697.PNG
Giải trình của HVN tại BCTC soát xét bán niên

Trong khi đó, lỗ sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2023 sau soát xét giảm 10,76%, tương đương giảm lỗ 142 tỷ đồng. Theo hãng bay, nguyên nhân do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ sau khi cập nhật sản lượng thực tế, cân nhắc đến xu hướng tăng trưởng cuối năm để dự tính quỹ lương 6 tháng 2023 phù hợp với quỹ lương cả năm 2023. Ngoài ra, số liệu công ty mẹ thay đổi do cập nhật dự tính chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí phục vụ chuyến bay và doanh thu dịch vụ theo hóa đơn thực nhận.

Vietnam Airlines cho hay, lỗ sau thuế tại BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất soát xét đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái và đang trong lộ trình giảm.

Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023.

Với việc nối dài chuỗi thua lỗ, tính đến 30/6/2023, Vietnam Airlines đang phải gánh lỗ 36.595,4 tỷ đồng cùng với đó, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp âm 12.512 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo này Công ty kiểm toán KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đề án tái cơ cấu tổng thể hãng.

Theo báo cáo kiểm toán, đến hết 30/06, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42,800 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 14.780 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.

Vì vậy, kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.

Cũng theo giải trinhg, Vietnam Airlines cho biết đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025.

Theo đề án, hãng bay sẽ thực hiện các biện pháp tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, nguồn vốn để có thêm thu nhập, nguồn vốn nhằm cải thiện dòng tiền để từng bước xóa dần lỗ lũy kế.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hôm 16/12, lãnh đạo Vietnam Airlines đặt mục tiêu cân đối thu - chi vào năm 2024 (hòa vốn), bắt đầu có lãi từ năm 2025.

Hà Ly (t/h)