Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 1.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

Hà Thị Lưu Luyến

Vietnam Airlines tiếp tục lỗ quý thứ 14 liên tiếp với mức lỗ ròng 1.295 tỷ đồng trong quý II/2023. Bán niên 2023, hãng bay này vẫn lỗ ròng 1.331 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 mới công bố, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm.

Cụ thể, công ty báo doanh thu thuần đạt 20.565 tỷ đồng, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng quý thứ 7 liên tiếp do sản lượng vận chuyển tăng 23,6% nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.

Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 929 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty có lãi gộp tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để thay đổi kết quả kinh doanh cuối kỳ.

Trong kỳ, Vietnam Airlines mang về doanh thu hoạt động tài chính đạt 93 tỷ đồng, giảm 33%. Cùng chiều, chi phí tài chính giảm 37%, xuống 723 tỷ đồng.

vietnam-airlines-lo-rong-hon-1-300-ty-dong-trong-nua-dau-nam-2023-1690857949.jpg
Vietnam Airlines ghi nhận lỗ quý thứ 14 liên tiếp

Trong khi đó các loại chi phí khác đều tăng như chi phí bán hàng tăng 45%, lên 959,3 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7%, lên 497 tỷ đồng.

Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ ròng 1.295 tỷ đồng trong quý II/2023. Đây đã là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia. Dù vậy, số lỗ đã giảm khoảng 50% so với mức âm 2.551 tỷ đồng của quý II/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, hãng bay ghi nhận doanh thu thuần 44.059 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dù vẫn âm 1.331 tỷ đồng, nhưng đã giảm chỉ bằng 1/4 so với khoản lỗ 5.237 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022.

Giải trình về lý do tiếp tục thua lỗ, Vietnam Airlines cho hay, do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu gia tăng... nên tổng công ty vẫn chưa có lãi.
Mặt khác, quý II là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý I.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã vận chuyển tổng cộng 11,8 triệu lượt khách nội địa cũng như quốc tế, tăng trưởng 28,2% so với nửa đầu 2022 và chiếm gần 43% thị phần của hãng bay Việt Nam. Trong đó, riêng Vietnam Airlines đã vận chuyển 9,94 triệu lượt khách, tăng trưởng 25,0% và chiếm 36,0% thị phần.

Vietnam Airlines Group cũng chuyên chở hơn 100 ngàn tấn hàng hóa trong nửa đầu năm 2023, chiếm hơn 65% thị phần hàng không Việt Nam.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 59.158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hãng hàng không quốc gia lỗ lũy kế 35.667 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đang vay nợ tài chính ngắn hạn xấp xỉ 16.000 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn hơn 12.000 tỷ đồng.

Hiện cổ phiếu HVN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE do nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ có năm thứ ba liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Hiện hãng bay này vẫn chưa công bố BCTC kiểm toán 2022. Trước đó, năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm. Ngay cả BCTC năm 2022 do hãng bay này tự lập cũng cho kết quả thua lỗ.

Hãng hàng không quốc gia cho biết đang làm việc với các bộ ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì cổ phiếu trên sàn HoSE.

“Đây là lý do chính ảnh hưởng tới tiến độ phát hành BCTC kiểm toán năm 2022 cũng như tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng quy định”, Vietnam Airlines cho biết trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023.

Hà Ly (t/h)