Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vietnam Airlines nói gì về nguy cơ cổ phiếu HVN rời sàn HoSE?

Hà Thị Lưu Luyến

Vietnam Airlines đánh giá nguy cơ cổ phiếu HVN rời sàn HoSE là rất cao và gây ra những hệ lụy không nhỏ.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa công bố báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023.

Trong báo cáo, Vietnam Airlines cho biết UBCKNN đã có nhiều văn bản yêu cầu doanh nghiệp này công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022, giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục cũng như hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu HVN.

vietnam-airlines-noi-gi-ve-nguy-co-co-phieu-hvn-roi-san-hose-1690509679.png
Nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao

Thậm chí, cổ đông lớn (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước - SCIC), các đối tác và các bên cho vay đều yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính năm 2022.

Trả lời về vấn đề này, hãng hàng không quốc gia cho biết đang làm việc với các bộ ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì cổ phiếu trên sàn HoSE.

“Đây là lý do chính ảnh hưởng tới tiến độ phát hành BCTC kiểm toán năm 2022 cũng như tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng quy định”, Vietnam Airlines nêu trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023.

Hãng hàng không này đánh giá nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao, những hệ luỵ là không nhỏ.

Việc phát hành báo cáo tài chính chậm quá 6 tháng đã và sẽ phát sinh chi phí do tăng thủ tục kiểm toán/soán xét liên quan đến rà soát số liệu và sự kiện diễn ra từ ngày khóa số có ảnh hưởng trọng yếu đến doanh thu, chi phí phát sinh từ năm 2022 trở về trước.

Bên cạnh đó, hãng bay này cho biết suy thoái kinh tế và tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nước dự kiến ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của nhiều thị trường quan trọng. Vietnam Airlines đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa tải tiếp tục diễn biến ngay cả trong những tháng cao điểm, đặc biệt trong giai đoạn thấp điểm tháng 9-11/2023.

Theo Vietnam Airlines, hiện báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp đang được các cơ quan đơn vị tập trung lập báo cáo quyết toán. Ban kiểm soát sẽ tổ chức thẩm định báo cáo tài chính này và phát hành báo cáo thẩm định ngay sau khi tổng công ty phát hành báo cáo soán xét báo cáo tài chính bán niên bởi công ty kiểm toán độc lập.

Cách đây không lâu, Vietnam Airlines cũng đã có giải trình về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Lý do chính là hãng hàng không đang trong quá trình tái cấu trúc và cần thêm thời gian đối chiếu số liệu.

Theo kế hoạch gần nhất, Vietnam Airlines chốt 11/07 là ngày đăng ký cuối cùng để dự đại hội thường niên 2023 và dự định tổ chức đại hội trước ngày 30/08/2023. Nhưng hãng bay này đã “quay xe” và hủy ngày đăng ký cuối cùng trên, với lý do cần thêm thời gian để chuẩn bị. Hiện, hãng hàng không quốc gia chưa tiết lộ ngày họp chính thức.

Đầu tháng 7 vừa qua, cổ phiếu HVN bị HoSE chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Trước đó, cổ phiếu của Vietnam Airlines bị vào diện kiểm soát từ đầu tháng 5 vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 30 ngày.

Giới đầu tư đang ngóng chờ BCTC kiểm toán 2022 vì báo cáo này sẽ quyết định khả năng niêm yết của cổ phiếu HVN. Trước đó, BCTC kiểm toán năm 2020 và 2021 của Vietnam Airlines đã cho kết quả lợi nhuận là số âm.

Ngay cả BCTC năm 2022 do hãng bay này tự lập cũng cho kết quả thua lỗ. Nếu sau kiểm toán, cho kết quả kinh doanh tương tự, Vietnam Airlines sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hà Ly (t/h)