Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vinaconex 39 lỗ luỹ kế hơn 421 tỷ đồng, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến

Vũ Ngọc Quỳnh

Tại ngày 31/12/2023 Vinaconex 39 ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 421,5 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ và làm âm vốn chủ 97,57 tỷ đồng. Ngoài ra, do không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2023 của doanh nghiệp này.

Trong Báo cáo tài chính năm 2023 của CTCP Vinaconex 39 (MCK: PVV) vừa mới công bố được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán.

Đầu tiên, tại ngày 31/12/2023, Vinaconex 39 có một số khoản công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán kéo dài trên trên 3 năm (thuyết minh số 9 trong bản Thuyết minh Báo cáo tài chính). Đơn vị kiểm toán cho biết không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá về tiến độ quyết toán các công trình dở dang có liên quan và khả năng cũng như giá trị thu hồi của các khoản công nợ này.

vinaconex-39-lo-luy-ke-hon-421-ty-dong-kiem-toan-tu-choi-dua-ra-y-kien-antt-1708939210.jpg
 

Tiếp nữa, tại ngày 31/12/2023, Vinaconex 39 đang theo dõi khoản đầu tư ủy thác với CTCP Đầu tư khoáng sản Bắc Trung Bộ với số tiền khoảng 91,63 tỷ đồng và khoản lãi phải thu tương ứng khoảng 20,14 tỷ đồng, các khoản gốc và lãi này đã quá hạn thanh toán từ nhiều năm trước. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá giá trị hợp lý của khoản đầu tư này cũng như khả năng thu hồi của khoản lãi phải thu.

Ngoài ra, trong số dư "Hàng tồn kho" tại ngày 31/12/2023 của Vinaconex 39 có một số công trình đang tạm dừng thi công/chờ quyết toán đã kéo dài qua nhiều năm (thuyết minh số 11 trong bản Thuyết minh báo cáo tài chính), hiện tại, Công ty đang làm việc với các chủ đầu tư/Tổng thầu để xác định giá trị nghiệm thu quyết toán của những công trình này. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị thuần có thể thực hiện được của các khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cũng như không đánh giá được khả năng và tiến độ quyết toán các công trình này nên không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu có liên quan hay không.

Như đã nêu tại thuyết minh số 4, mục "Cơ sở lập Báo cáo tài chính" trong bản Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2023 lỗ lũy kế hợp nhất của Công ty khoảng 421,51 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ và làm âm vốn chủ sở hữu khoảng 97,57 tỷ đồng (lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 khoảng 389,19 tỷ đồng), số dư nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 330,07 tỷ đồng; nợ vay quá hạn chưa thanh toán với số tiền khoảng 237,71 tỷ đồng, lãi vay ngân hàng chưa thanh toán khoảng 354,23 tỷ đồng; các khoản góp vốn thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư đang chậm tiến độ với số tiền khoảng 193,71 tỷ đồng; kết quả kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 của Công ty tiếp tục lỗ khoảng 32,70 tỷ đồng. Các vấn đề nêu trên đã gây nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của Công ty trong 12 tháng tiếp theo.

Đơn vị kiểm toán cũng cho biết khả năng hoạt động liên tục của Vinaconex 39 phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu, các khoản đầu tư đã quá hạn và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi công nợ, khả năng tiếp tục gia hạn thành công các khoản nợ và vay đến hạn thanh toán cũng như khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá liệu báo cái tài chính hợp nhất kèm theo được lập với giả định Công ty hoạt động liên tục có phù hợp hay không.

Do đó, đơn vị kiểm toán đã không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo chính hợp nhất năm 2023 của Vinaconex 39.

vinaconex-39-lo-luy-ke-hon-421-ty-dong-kiem-toan-tu-choi-dua-ra-y-kien-antt-1708939427.png
Kết thúc năm 2023, Vinaconex 39 lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ làm âm vốn chủ gần trăm tỷ. Ảnh chụp màn hình.

Quay trở lại với Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 vừa bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến của Vinaconex 39, trong năm 2023, doanh thu thuần của Vinaconex 39 chỉ đạt hơn 17,2 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước. Đáng chú ý là Công ty không còn ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là các hợp đồng xây dựng (năm trước ghi nhận hơn 14 tỷ đồng). Thay vào đó, Vinaconex 39 phát sinh hơn 8 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bất động sản, trong khi năm trước khoản này chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng. .

Giá vốn giảm chậm hơn đã khiến lãi gộp của công ty trong năm 2023 giảm 57%, chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng.

Khoản lãi gộp “mỏng” này không thể bù đắp chi phí đã khiến Vinaconex 39 phải báo lỗ hơn 32 tỷ đồng trong năm 2023 (năm trước lỗ hơn 34 tỷ đồng). Đây là năm thứ 8 liên tiếp Công ty phải ghi nhận lợi nhuận âm kể từ năm 2016.

Trên bảng cân đối, tổng tài sản của PVV tại thời điểm 31/12/2023 là 872 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là phải thu ngắn hạn giảm nhẹ 4 tỷ đồng so với đầu năm, về mức 327 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 163,2 tỷ đồng, giảm 5,3% so với hồi đầu năm. Tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với 160,9 tỷ đồng nằm tại các công trình như khách sạn Lam Kinh- Thanh Hoá, công trình nhiệt điện Vũng Áng… Vinaconex 39 cho biết, một số công trình đang chậm tiến độ như công trình khách sạn Lam Kinh, công trình 24 căn biệt thự Nghi Sơn-Thanh Hoá, công trình đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình... đang tạm dừng thi công liên quan đến Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm nhà thầu chính, các công trình liên quan đến các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với tổng số tiến khoảng 106,45 tỷ đồng và các công trình khác số tiền khoảng 27,07 tỷ đồng, Hội đồng quân trị và Ban Giám đốc đang tiếp tục làm việc với đối tác chủ đầu tư đề sớm hoàn thành quyết toán khối lượng hoàn thành trong thời gian tới.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Vinaconex 39 có tổng nợ phải trả ở mức 969,7 tỷ đồng, tăng 10,5 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó có 237,7 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn; 354,3 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn (gần như tất cả đều là chi phí lãi vay phải trả). Theo thuyết minh, toàn bộ khoản vay từ các ngân hàng thương mại đều đã quá hạn, thanh toán.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vinaconex 39 tại ngày 31/12/2023 ghi nhận âm 97,6 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 421,5 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của doanh nghiệp này.

Hà Anh