Vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, hệ sinh thái Hacom Holdings của Chủ tịch Trần Phú Chiến có gì?
Từ năm 2018 đến 2022, vốn điều lệ Hacom Holdings chính thức cán mốc 4.000 tỷ đồng, tức gấp 12 lần sau 4 năm. Hiện tập đoàn này phát triển theo hướng đầu tư đa ngành từ bất động sản, nghỉ dưỡng tới năng lượng tái tạo.
Tăng vốn điều lệ khủng
Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings (tiền thân là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Hà Nội) thành lập vào tháng 9/2005. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp là ông Trần Phú Chiến, sinh năm 1976.
Hiện trụ sở chính doanh nghiệp tại tòa nhà The Light, đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ban đầu, Hacom Holdings được biết đến là nhà thầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, đường, cầu, nhà máy, đồng thời tư vấn dự án bất động sản, nhà ở và thương mại.
Đến năm 2012, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào đầu tư bất động sản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc.
Để phục vụ việc mở rộng kinh doanh, Hacom Holdings liên tục tăng vốn điều lệ, từ vài trăm tỷ đồng lên hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 2018 trở đi.

Chủ tịch Trần Phú Chiến. Ảnh: Hacomholdings.vn
Cụ thể, tháng 8/2018, doanh nghiệp bắt đầu nâng vốn từ 336 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Thời điểm đó ông Trần Phú Chiến sở hữu 71% cổ phần. Chỉ 3 tháng sau đó, công ty tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2020 và đến cuối tháng 6/2021, Hacom Holdings hai lần bơm vốn liên tiếp lên 2.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Đến tháng 5/2022, vốn điều lệ tập đoàn chính thức cán mốc 4.000 tỷ đồng. Có thể thấy, chỉ sau gần 4 năm, Hacom Holdings đã tăng vốn điều lệ gấp 12 lần.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2024, doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Phú Chiến bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 3.000 tỷ đồng và duy trì từ đó đến nay.
Theo công bố vào tháng 2/2025, Hacom Holdings có 7 lao động.
Hệ sinh thái Hacom Holdings có gì?
Với số vốn khủng như vậy, Hacom Holdings thực hiện đầu tư đa ngành từ bất động sản, nghỉ dưỡng tới năng lượng tái tạo.
Trong lĩnh vực bất động sản, Hacom Holdings đẩy mạnh loạt dự án đô thị ven biển tại Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận đã có các dự án như: Công viên biển Bình Sơn rộng 24,6 ha tại tỉnh Ninh Thuận, với vốn đầu tư 400 tỷ đồng; khu đô thị Đông Bắc tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm rộng 60ha với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, khu đô thị biển Bình Sơn Ocean Park quy mô 52ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trên, Hacom Holdings còn đầu tư nhà ở xã hội Halcom Galacity, khu trung tâm thương mại Halcom Mall và khách sạn Hacom Galaxy đều tại Ninh Thuận.
Hacom Holdings cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư một số dự án bất động sản tại tỉnh Quảng Trị như: Khu phức hợp dịch vụ, phụ trợ thuộc Khu Kinh tế Đông Nam; Dự án khu du lịch, dịch vụ sinh thái hồ Khe Mây, TP. Đông Hà; và Dự án khu đô thị mới phía Đông TP. Đông Hà
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hacom Holdings tập trung khai thác điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Trị hay Ninh Thuận...
Năm 2019, tập đoàn đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar đặt tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy được khởi công xây dựng vào ngày 8/4/2019 trên diện tích đất khoảng 60,33 Ha, với công suất 50 MWp.

Khu nhà điều hành nhà máy điện mặt trời Hacom Solar. Ảnh: Hacomholdings.vn
Tháng 10/2021, Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - Giai đoạn 1 do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu chính thức vận hành. Dự án được xây dựng trên diện tích 27,7 ha với 26 trụ tuabin gió, công suất từ 3,0 - 3,3 MW/tuabin, cao trên 140m. Tổng vốn đầu tư: khoảng 3.700 tỷ đồng.
Hacom Holdings đề xuất thực hiện Nhà máy Điện gió Cam Nghĩa 50 MW; Nhà máy Điện mặt trời Hacom Quảng Trị - 50 MWp… tại Quảng Trị.
Năm 2022, Hacom Holdings được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý việc nghiên cứu, khảo sát, thu thập dữ liệu để đánh giá khả năng quy hoạch và đầu tư dự án điện gió tại khu vực trên bờ các xã: Nga Tân, Nga Thủy, huyện Nga Sơn.
Về cá nhân Chủ tịch Trần Phú Chiến, vị doanh nhân sinh năm 1976 hiện đang làm người đại diện tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Năng lượng Hacom, Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Petrolimex Lâm Đồng...
Không chỉ đứng tên đại diện, ông Trần Phú Chiến cũng trực tiếp sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp. Nguồn tin của PV cho biết, theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số: 231C/GCN-NLHC do Công ty Cổ phần năng lượng Hacom xác nhận ngày 04/07/2023, bà Trần Thị Thu Thủy sở hữu 1.575.000 cổ phần, tương đương 5% vốn tại Công ty Cổ phần năng lượng Hacom.
Còn theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số: 231B/GCN-NLHC do Công ty Cổ phần năng lượng Hacom xác nhận ngày 04/07/2023, ông Trần Phú Chiến sở hữu 1.575.000 cổ phần, tương đương 5% vốn tại Công ty Cổ phần năng lượng Hacom.
Tại thời điểm tháng 7/2023, hai vợ chồng Chủ tịch Trần Phú Chiến đã đem toàn bộ số cổ phần nói trên làm tài sản thế chấp tại VietinBank chi nhánh Thành An.
Chưa hết, ông Chiến cũng nắm giữ 12.445.900 cổ phần, tương đương với 40,116% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư Hacom Lào Cai. Số cổ phần này được dùng để thế chấp tại VietinBank chi nhánh Đống Đa vào tháng 12/2024.
Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, vợ chồng ông Trần Phú Chiến còn là cổ đông sáng lập khi từng nắm giữ tổng cộng 99% cổ phần tại Công ty cổ phần Thành Đông Ninh Thuận.
Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Thành Đông Ninh Thuận có vốn điều lệ 463,75 tỷ đồng. Trong đó, vợ chồng ông Chiến giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 68,734% vốn.
Từ tháng 5/2020 đến nay, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thay đổi từ Chủ tịch Trần Phú Chiến sang Giám đốc Nguyễn Tiến Nghị.
Dữ liệu của PV cho biết, tại thời điểm tháng 1/2023, vợ chồng ông Chiến vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 68,734% vốn Công ty cổ phần Thành Đông Ninh Thuận. 31,27% cổ phần còn lại do CTCP Đầu tư Hacom Holdings nắm giữ.
Tháng 4/2025, toàn bộ số vốn góp của 3 cổ đông nói trên được đem thế chấp tại VIB chi nhánh Sở giao dịch.
Hà Ly