Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan nói không liên quan đến trái phiếu

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định mình không liên quan đến trái phiếu, không đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai chủ trương phát hành trái phiếu là của SCB

Ngày 23/9, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm (giai đoạn 2) trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Được xác định cầm đầu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu, tuy nhiên, khi bị thẩm vấn, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định, bản thân không biết và không liên quan gì đến việc phát hành trái phiếu.

Cáo trạng xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB sử dụng 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành trái phiếu.

Thực hiện chủ trương của Lan, nhóm 4 công ty này đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng.

Số tiền thu được, Trương Mỹ Lan và đồng phạm sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến mất khả năng chi trả.

Tính đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan nói không liên quan đến trái phiếu- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Công Thư

Bị cáo buộc là chủ mưu, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày không có ý kiến gì về nội dung của cáo trạng vì bản thân bị cáo "tôn trọng cáo trạng". Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khẳng định "không biết gì liên quan đến trái phiếu", "không liên quan đến việc phát hành trái phiếu" và bản thân "rất sợ làm chứng khoán".

Bị cáo Lan cũng cho biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tài chính vững chắc, không có nhu cầu lấy tiền, huy động tiền của dân thông qua chứng khoán hoặc trái phiếu.

Lý giải về việc có nhiều công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan trong việc phát hành trái phiếu khống, bị cáo Lan giải thích, trước đó Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, đã chết) có đề cập đến việc tìm công ty để phát hành trái phiếu, nhưng bị cáo không có nhu cầu nên không quan tâm.

Nguyễn Phương Hồng cũng ngỏ ý muốn mượn các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, khi đó bị cáo nghĩ nếu không cho SCB mượn công ty thì "ngân hàng có thể bị sụp đổ" nên bị cáo mới cho mượn công ty, còn bị cáo "không liên quan đến trái phiếu" mà toàn bộ chủ ý là của Nguyễn Phương Hồng.

"Vậy có chủ trương cho Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) làm trái phiếu không?", chủ tọa hỏi. Bị cáo Lan đáp, khi rảnh vào buổi trưa, bị cáo có mời Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt - TVSI, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng ăn trưa và có bàn đến việc niêm yết.

"Trong lúc ăn trưa bị cáo và những người ngồi cùng có bàn đến niêm yết chứng khoán, có cả chuyện mượn công ty để phát hành trái phiếu, nhưng chủ trương là của SCB", bị cáo Trương Mỹ Lan nói.

Xin khắc phục toàn bộ thiệt hại cho trái chủ

Trả lời về việc sử dụng dòng tiền trong gói trái phiếu của Công ty An Đông, Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không biết gì về việc sử dụng dòng tiền trái phiếu này, bởi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi đó có đủ khả năng để phát hành trái phiếu, nhưng bị cáo không làm. Ngoài ra, bị cáo Lan còn cho rằng, khi ấy người nhà của bị cáo cũng là bị hại trong trái phiếu An Đông. Theo bị cáo Lan, người nhà, thông gia cũng mua đến 5.000 tỷ đồng trái phiếu của An Đông, đến nay chưa có lợi gì.

Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng cho biết thêm, những tài sản thu từ phát hành trái phiếu của Công ty An Đông đều do SCB nắm giữ.

Nhắc đến các bị hại trong vụ án là những trái chủ đã mua trái phiếu "khống" và chịu thiệt hại, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định mặc dù bản thân không hề biết gì về việc sử dụng dòng tiền thu từ phát hành trái phiếu, không có chủ trương chiếm đoạt tài sản của người bị hại nhưng bị cáo hứa sẽ cố gắng dùng những tài sản hiện có của mình để khắc phục cho các trái chủ, không để họ thiệt thòi, bởi rất nhiều trái chủ vì tin tưởng vào uy tín của bị cáo và của SCB mà đã dùng toàn bộ tài sản tích góp cả đời để mua trái phiếu.

Đối với 28 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng SCB, lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét cho những người này, vì họ chỉ làm theo nhiệm vụ, không được hưởng lợi.

Mai Linh (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT