Vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Nhiều bị cáo xin giảm án

Sau hơn 2 tháng diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, 11 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, xin giảm án.

Ngày 4/3, thông tin từ TAND TP Hà Nội, đơn vị này đã nhận được kháng cáo của 11 trong tổng số 17 bị cáo vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 sau hơn 2 tháng diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Trong số 11 bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt có: Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên; Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt; Nguyễn Văn Văn, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo bày tỏ mong muốn, tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, cân nhắc mức độ hành vi và bối cảnh thực hiện tội phạm của các bị cáo để cho họ được hưởng khoan hồng của pháp luật, được tuyên phạt mức án nhẹ nhất có thể, để sớm được trở về với gia đình và cộng đồng xã hội.

Trước đó, ngày 27/12/2024, HĐXX TAND TP Hà Nội đã uyên án sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.

Vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Nhiều bị cáo xin giảm án- Ảnh 1.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.

Theo nhận định của HĐXX, các bị cáo đều khai báo thành khẩn, lời khai phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Các bị cáo còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

Ngoài ra, có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng, hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn đã nhận hối lộ 450 triệu đồng. Bị cáo Lê Ngọc Tường đã nhận hối lộ 400 triệu đồng.

Từ nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Tùng 7 năm tù về tội "nhận hối lộ", 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hình phạt mà bị cáo Tùng phải chấp hành là 12 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường cùng bị tuyên phạt 2 năm tù về tội "nhận hối lộ".

Các bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạt từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 3 năm 6 tháng tù, theo đúng tội danh bị truy tố.

Mai Linh (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT