Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xét xử vụ Thuduc House: Cựu cán bộ Cục Thuế TP.HCM khai gì?

Hà Thị Lưu Luyến

Cựu cán bộ Cục Thuế TP.HCM thừa nhận khi phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn nhưng vẫn tiến hành thủ tục hoàn thuế trái quy định cho Thuduc House. Bởi không có kết quả thanh tra, bị cáo không có cơ sở dừng việc hoàn thuế.

Ngày 9/6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Cục thuế TP.HCM.

Phiên xét xử sáng nay, tòa tập trung xét hỏi các bị cáo để làm rõ việc Cục thuế TP.HCM hoàn thuế sai quy định cho Thuduc House.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, 15 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP.HCM bị truy tố vì gây thất thoát cho Nhà nước hơn 331 tỷ đồng.

Một trong số 15 người là bị cáo Nguyễn Hoà Bình (cựu công chức Phòng Kê khai kế toán thuế, Cục Thuế TP.HCM) thừa nhận là người trực tiếp nghiên cứu, đề xuất hoàn thuế 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019); lập, ký 15 phiếu đề xuất hoàn thuế trái quy định.

Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Hoà Bình cũng là người đã làm tờ trình đề xuất Cục Thuế TP.HCM tiến hành thanh, kiểm tra hồ sơ đề xuất hoàn thuế của Thuduc House khi nhận thấy dấu hiệu khả nghi như thuế tăng đột biến so với kỳ trước; nghi vấn người xuất hàng và người bán hàng đầu vào cùng 1 chủ sở hữu.

xet-xu-vu-thuduc-house-loi-khai-cuu-can-bo-cuc-thue-tp-hcm-lap-ho-so-hoan-thue-sai-quy-dinh-1686301996.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Vietnamnet

Trả lời trước tòa, bị cáo Bình cho biết chỉ tình cờ phát hiện những dấu hiệu rủi ro nói trên thông qua việc tra cứu tờ khai hải quan liên quan các lô hàng của Thuduc House.

Dù vậy, bị cáo vẫn tiếp tục các bước hoàn thuế cho doanh nghiệp vì "hoàn cảnh bắt buộc", vì hồ sơ hoàn thuế rất đơn giản, không có nhiều thông tin. Cụ thể, mỗi hồ sơ đề xuất hoàn thuế chỉ bao gồm giấy đề nghị hoàn và văn bản thuyết minh, giải trình bổ sung thông tin. Những thông tin doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm. Hồ sơ không cần có hợp đồng xuất khẩu, không có hợp đồng mua hàng, không có phiếu thanh toán tiền…

Chủ tọa đặt vấn đề, theo quy định nếu phát hiện rủi ro thì phải họp tất cả các bộ phận liên quan đến hoàn thuế để xem xét toàn bộ thông tin nhưng bị cáo không làm như thế.

Bị cáo khai: "Khi lãnh đạo Cục chưa thành lập được đoàn kiểm tra, thanh tra, chưa có kết quả thì không có cơ sở pháp lý nào cho bị cáo vận dụng dừng việc hoàn thuế".

Đồng thời, bị cáo Bình cho hay, bản thân chỉ là công chức, được phân công công việc nào thì giải quyết hồ sơ ở phần việc đó. "Nếu thời điểm đó, bị cáo dừng hoàn thuế thì sẽ có những chế tài khác. Thậm chí, chính người nộp thuế sẽ tố cáo, khiếu nại. Pháp luật cũng quy định sẽ những bồi thường vật chất căn cứ mỗi ngày chậm trả tiền thuế bao nhiêu thì tính tiền phạt bấy nhiêu", bị cáo nói.

Căn cứ lời khai trên, chủ tọa cho biết sẽ xem xét vai trò bị cáo là cấp dưới, việc hoàn thuế còn thông qua Phòng Pháp chế và trình lãnh đạo duyệt.

Cũng theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM được cấp dưới báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế tại Thuduc House nhưng không chỉ đạo xác minh, bỏ qua các dấu hiệu này.

Từ đó, bà Hạnh ký các quyết định hoàn thuế cho Thudu House trong 15 kỳ, hoàn hơn 331,4 tỷ đồng tiền thuế sai quy định (trong tổng số 365 tỷ đồng chủ mưu Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt).

Tại cơ quan điều tra, bà Hạnh thừa nhận trách nhiệm, cho rằng bản thân đã thiếu sót, không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

VKS truy tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh theo khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Theo khoản 3 điều này, bị cáo Hạnh bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 10-20 năm tù.

Hà Ly (t/h)