21 ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ, VPBank vẫn dẫn đầu toàn hệ thống
NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần. Sau khi đồng loạt tăng vốn, VPBank vẫn sẽ dẫn đầu toàn hệ thống về quy mô vốn điều lệ từ hơn 67.000 tỷ đồng lên hơn 79.000 tỷ đồng.
Mới đây, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ là: HDBank, MB, ACB, VIB, TPBank, LPBank, Bac A Bank, Viet A Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, KienLong Bank, Nam A Bank, NCB, và VPBank.
Đối với các công ty tài chính, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 6 công ty. Các đơn vị được chấp thuận bao gồm Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance), Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance), Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD Saison), Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease, và Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.
NHNN cũng đã trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về một số nội dung tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước số tiền 17.100 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng; năm 2024 là 10.347 tỷ đồng).
Với 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV), NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Còn Vietcombank và VietinBank sẽ hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
NHNN cho biết, song song với việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ hàng năm, các ngân hàng cũng đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ (Vietcombank, BIDV).
Việc tăng vốn cũng là yêu cầu đề ra trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Việc tăng vốn trở nên cấp thiết để bảo đảm sức khỏe tài chính cho các ngân hàng, nhằm gia cố “bộ đệm vốn” dày hơn, giúp các ngân hàng ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra.
Theo số liệu thống kê của NHNN tính đến tháng 7/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 915.330 tỷ đồng, tăng 4,37% so với cuối năm 2022.
Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, CBBank, GPBank, và OceanBank) là 190.479 tỷ đồng (tăng 0,02%).
Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP là 496.304 tỷ đồng (tăng 5,73%). Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là 154.508 tỷ đồng (tăng 5,53%).
Cũng theo số liệu của NHNN tính đến tháng 7/2023, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 18.442.412 tỷ đồng (tăng 0,91%). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%, và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 76,89%.
Hiện, VPBank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (hơn 67.000 tỷ đồng). Sau khi các ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ, VPBank vẫn sẽ dẫn đầu với vốn điều lệ mới là hơn 79.000 tỷ đồng.