APG và nhiều công ty chứng khoán báo lỗ quý III/2024
Trong số các công ty chứng khoán đã báo lỗ quý III/2024 thì APG là cái tên gây bất ngờ nhất.
Đầu tiên, CTCP Chứng khoán APG (mã: APG, sàn HoSE) gây bất ngờ khi lỗ ròng đến 148 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ lịch sử thiết lập ở quý IV/2022 và hiện là CTCK lỗ đậm nhất ngành trong quý III/2024. Nguyên nhân chính là do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng.
Khoản lỗ trong quý III đã hoàn toàn xóa sạch thành quả đạt được trong nửa đầu năm, khiến APG chịu lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Cùng kỳ năm trước, công ty lãi ròng gần 403 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản cuối của APG gần 2.730 tỷ đồng, gấp 1,5 lần đầu năm. Trong đó, khoản trả trước cho người bán tăng mạnh từ hơn 2 tỷ đồng lên 826 tỷ đồng. Đây là các khoản APG trả trước cho các bên gồm APG Holdings, Cụm CN APG, Eco HT, Đầu tư Bắc Vương và các người bán khác.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của APG chủ yếu là cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý hơn 503 tỷ đồng, tạm lỗ 143 tỷ đồng. Công ty không công bố danh mục cổ phiếu niêm yết kỳ này.
Quy mô các khoản đầu tư dài hạn cũng tăng khá mạnh, từ gần 302 tỷ đồng lên hơn 464 tỷ đồng, do APG tăng đầu tư vào các công ty APG ECO Hòa Bình, APG Energy Nghệ An và phát sinh mới khoản đầu tư vào Nhiệt điện Sinh khối Trường Minh.
Tổng nợ phải trả tăng mạnh sau khi Công ty phát sinh các khoản vay ngắn hạn gần 277 tỷ đồng từ cả ngân hàng và cá nhân.
Tiếp đến, CTCP Chứng khoán Asean báo lỗ trước thuế 17 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do một số mã cổ phiếu giảm giá khiến mảng tự doanh của công ty lỗ thuần gần 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay vẫn tích cực hơn cùng kỳ khi công ty này vẫn lãi trước thuế 53 tỷ, gấp gần 9 lần cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán CV (CVS) - thành viên trong hệ sinh thái M-Service (chủ sở hữu ví điện tử Momo) - báo doanh thu hoạt động tăng mạnh 446% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 4,5 tỷ đồng.
Dù vậy, công ty vẫn tiếp tục lỗ ròng hơn 9,7 tỷ đồng trong quý III/2024, cao hơn số lỗ khoảng 6,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Qua đó, lỗ lũy kế đã bị đẩy lên gần 118 tỷ đồng.
Cuối cùng có thể kể đến CTCP Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS, sàn UPCoM) với doanh thu kỳ này giảm 32% xuống 109 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh, lãi cho vay và phải thu giảm 28% xuống 64 tỷ đồng và doanh thu môi giới giảm 37% xuống 31 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, công ty này lỗ trước thuế 13 tỷ đồng, kéo tụt lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm xuống còn chưa đầy 2 tỷ đồng.
Hà Ly