Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

BaF Việt Nam (BAF) lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý IV/2023

Vũ Ngọc Quỳnh

Tình hình kinh tế chung khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, cùng với đó, chi phí tăng cao đã khiến BAF lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023.

baf-viet-nam-baf-lo-gan-30-ty-dong-trong-quy-iv2023-antt-1706497275.jpg
BaF Việt Nam (BAF) lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý IV/2023. Ảnh minh hoạ.

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (MCK: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/20223 với ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.625 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 3 lần, từ 4 tỷ đồng lên hơn 11 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng tăng 2,2 lần, từ 25 tỷ đồng lên hơn 55 tỷ đồng (trong đó có gần 54 tỷ đồng đến từ chi phí lãi vay). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt ở mức 26 tỷ và 26 tỷ đồng.

Kết quả, BAF báo lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt âm 44 tỷ đồng và gần 30 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên HoSE hồi cuối năm 2021.

Luỹ kế trong năm 2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 5.250 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế hơn 23 tỷ đồng, giảm 92%.

Được biết, trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện gần 70% kế hoạch doanh thu và 7,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2023, BAF cho biết giá bán ở đầu năm đã duy trì ở nền thấp và tạo đáy vào quý IV/2023. Tình hình kinh tế chung khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng heo bán ra chưa tăng trưởng ứng với quy mô đàn khi quy mô đàn. Các trang trại mới được đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu và điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ vào năm 2024.

Ngoài ra, từ sau tháng 5, công ty đã giữ lại toàn bộ lượng heo cai sữa để nuôi lớn bán lấy thịt thay vì bán heo cai sữa sớm như trước đây. Điều này giúp BAF không bị buộc phải bán heo cai sữa trong giai đoạn thị trường giá thấp đồng thời tối ưu được lợi ích kinh tế khi bán heo thịt. Tuy nhiên điều này cũng sẽ kéo một phần sản lượng 2023 chuyển sang 2024.

Về quy mô tài sản, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của BaF Việt Nam tăng 39% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.844,9 tỷ đồng, lên 6.574 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 1.615,4 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.604,6 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.093,8 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 905,1 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 771,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Về nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi tăng 141,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.355 tỷ đồng, lên 2.312,3 tỷ đồng.

Hà Anh (t/h)