Bảo hiểm Quân đội muốn phát hành cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 2.000 tỷ đồng

HĐQT Bảo hiểm Quân đội đã thông qua phương án phát hành 28,76 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.727 tỷ đồng lên gần 2.015 tỷ đồng.

bao-hiem-quan-doi-muon-phat-hanh-co-phieu-tang-von-len-hon-2000-ty-dong-antt-1696389003.PNG
Bảo hiểm Quân đội muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC, MCK: MIG, sàn HoSE) vừa công bố thông tin về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu và ESOP.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐQT, HĐQT MIC đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức gần 1.727 tỷ đồng lên gần 2.015 tỷ đồng. 

Trong đó, MIC dự kiến chào bán 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15%, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. 

Đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu theo danh sách cổ đông chốt tại ngày đăng ký cuối cùng được phân bổ quyền mua cổ phiếu phù hợp quy định pháp luật. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng với 1 quyền, 100 quyền được mua 15 cổ phiếu mới.

Thời gian chào bán dự kiến trong quý IV/2023 hoặc quý I/2021 sau khi nhận được công văn chấp thuận của Bộ Tài chính và giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công khai của UBCKNN.

Số tiền dự kiến thu được là hơn 259 tỷ đồng.

Ngoài ra, MIC cũng dự kiến phát hành ESOP 2,86 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên đáp ứng tiêu chuẩn tại Quy chế về việc phát hành cổ phiếu ESOP, cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu phát hành tối đa tính theo mệnh giá là 28,6 tỷ đồng.

Như vậy tổng phát hành đợt này của MIG 28,76 triệu cổ phiếu. Với 287,6 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, MIC dự kiến chi 100,5 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực, giải pháp triển khai chiến lược; chi 185,5 tỷ đồng đầu tư tài chính bao gồm đầu tư tiền gửi; với 28,6 tỷ đồng từ ESOP, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.

Trong trường hợp số tiền thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu không đủ để sử dụng cho toàn bộ mục đích dự kiến, MIC sẽ dùng số vốn thu được để thực hiện các mục đích theo thứ tự ưu tiên giảm dần nêu trên. 

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC soát xét bán niên 2023, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIC trong nửa đầu năm nay ở mức 1.872 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hoạt động tài chính là 132,2 tỷ đồng, tăng 33,9%.

Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng từ 1.422,4 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái lên hơn 1.602 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ lên 2.39,5 tỷ đồng.

Khấu trừ đi các khoản chi phí, MIC báo lợi nhuận sau thuế ở mức 128,3 tỷ đồng, tăng hơn 44 tỷ đồng, tương ứng 52,4% so với cùng kỳ năm trước.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT