Bị coi là phế phẩm, một bộ phận của con gà lại giúp Mỹ kiếm về hàng tỷ USD từ Trung Quốc - Là đồ ăn vặt hot trend được giới trẻ Việt ưa thích

Sản phẩm từ gà đang giúp Mỹ mang về 1,1 tỷ USD nhờ sở thích ẩm thực độc đáo tại Trung Quốc.

Gà là vốn món ăn quen thuộc trên khắp thế giới, nhưng chân gà thì không như vậy. Với kết cấu nhiều sụn, móng vuốt và rất ít thịt, chúng thường bị xem là phế phẩm bỏ đi ở nhiều quốc gia và thường được sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chân gà lại là một món ăn khoái khẩu, xuất hiện từ các quán ăn đường phố đến những bữa tiệc sang trọng. Sở thích độc đáo trên đã biến chân gà thành một loại hàng hóa nhập khẩu béo bở nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, mang về hàng tỷ USD thương mại chảy qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, chân gà nhập khẩu hầu hết đều đến từ Mỹ. "Gà nhập khẩu có chu kỳ sinh trưởng dàu hơn, kích thước to hơn và người tiêu dùng ăn như vậy", Yu Jian - một nhà phân phối chân gà có trụ sở tại Thành Đô (Trung Quốc) - cho hay.

Chân gà được sử dụng trong nhiều món ăn Trung Quốc, từ dim sum, lẩu cho đến những món ăn nhẹ như chân gà ngâm muối ớt. Mỹ đã tận dụng điều này cùng nguồn gia cầm chất lượng cao. Thị trường chân gà tại Trung Quốc đã đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2022, tăng 46,4% so với năm 2018. Trên thực tế, chân gà chiếm tới 73,8% lượng sản phẩm gia cầm xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.

Bị coi là phế phẩm, một bộ phận của con gà lại giúp Mỹ kiếm về hàng tỷ USD từ Trung Quốc - Là đồ ăn vặt hot trend được giới trẻ Việt ưa thích- Ảnh 1.

Kim ngạch chân gà đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc 2010-2023 (Nguồn: Farm Progress)

Thương mại chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động. Năm 2009, Mỹ xuất khẩu 377.805 tấn chân gà sang Trung Quốc, trị giá 278 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2010, Trung Quốc áp đặt thuế chống bán phá giá hơn 100% lên chân gà Mỹ, dẫn đến việc xuất khẩu giảm mạnh.

Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, xuất khẩu chân gà Mỹ sang Trung Quốc tăng vọt, đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2022, với 85% trong số đó là chân gà. Tuy nhiên, năm 2023, do bùng phát dịch cúm gia cầm, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu từ 37 bang của Mỹ, khiến xuất khẩu giảm 30% trong nửa đầu năm.

Thị trường chân gà là minh chứng cho sự khác biệt trong thói quen ẩm thực giữa các nền văn hóa. Khi thị trường tiếp tục mở rộng, Mỹ đang sẵn sàng duy trì vị thế số 1, hưởng lợi từ một món ngon mà nhiều nơi khác trên thế giới coi là thứ bỏ đi. Tuy nhiên, thương mại chân gà cũng đối mặt với nhiều thách thức, như các rào cản thương mại và dịch bệnh.

Tại Việt Nam, chân gà, đặc biệt là chân gà rút xương được xem là món ăn vặt được giới trẻ ưa thích thời gian gần đây, như chân gà luộc, chân gà ngâm mắm, ngâm xả tắc (quất) hay chân gà tẩm ướt gia vị đóng gói ăn sẵn,... Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thường bị nhập khẩu trái phép, không nguồn gốc xuất xứ, hoặc lô hàng hết hạn được "phù phép" thành mới, bán lại cho các nhà hàng, quán ăn để chế biến, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tham khảo: SCMP

Khánh Vy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT