Bộ trưởng Tài chính nói về việc kiểm toán 'bỏ lọt' sai phạm tại SCB

Tại phiên chất vấn sáng 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lấy ví dụ về vụ Ngân hàng SCB là vi phạm của những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Theo ông, việc này là do kiểm toán viên, thẩm định viên, chứ không phải do công tác quản lý.

Siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán

Sáng 18/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết theo báo cáo, cả nước hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. 

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng của kiểm toán viên dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực như vụ án SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán tầm cỡ sai phạm.

"Đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong kiểm toán tư nhân?" - đại biểu chất vấn.

bo-truong-tai-chinh-noi-ve-viec-kiem-toan-bo-lot-sai-pham-tai-scb-1710742417.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.

Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, như: Năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán; thêm nữa về tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp và không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin cả nước hiện có 221 công ty kiểm toán, có khoảng 2.363 kiểm toán viên, so với các quốc gia tỉ lệ này còn nhỏ. Tuy nhiên, cần chú trọng về mặt chất lượng.

Dẫn chứng về việc thi kiểm toán viên nghiêm túc, ông Phớc cho hay, thường kiểm toán viên chưa có năm nào thi vượt qua, đỗ được trên 30%, năm cao nhất chỉ đỗ 30%. Như vậy, các chuẩn mực về kiểm toán và phương pháp kiểm toán Bộ Tài chính đã ban hành.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán để kiểm tra lại một số bộ hồ sơ, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.

Sai phạm là do kiểm toán viên, không phải do quản lý

Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, thời gian qua cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.

Ông dẫn chứng vụ Ngân hàng SCB, các công ty kiểm toán hàng đầu của thế giới vào kiểm toán SCB nhưng đều vi phạm. “Rõ ràng sai phạm là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý. Chúng ta phải thừa nhận một số văn bản pháp luật vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Nhắc lại giá đất áp dụng theo phương pháp thặng dư, Bộ trưởng cho rằng, nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định.

Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, cơ quan điều tra xác định, giai đoạn 2012-2022, ba công ty kiểm toán hàng đầu là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB. 

Trong đó, giai đoạn 2012-2016 là Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho SCB. Giai đoạn 2017-2019 là Deloitte Việt Nam. Từ 2020-2022 là KPMG Việt Nam. Tuy nhiên, những đơn vị kiểm toán này không phát hiện ra dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này. 

Ví dụ trong các báo cáo kiểm toán năm 2020 và soát xét 6 tháng đầu năm 2022, KPMG chỉ nhấn mạnh việc SCB đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm toán viên của KPMG cho rằng báo cáo tài chính của SCB đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng.

Với BCTC năm 2021, kiểm toán viên của KPMG chỉ nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu phát thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.

Thậm chí, báo cáo tài chính những năm gần đây luôn cho thấy SCB báo lãi đều đặn. Giai đoạn 2012-2019, lợi nhuận SCB có chững lại nhưng sau đó tiếp tục tăng tốc. 

Điển hình, năm 2020 lợi nhuận SCB bất ngờ tăng gấp 3 lần 2019, đạt 696 tỷ đồng. Còn năm 2021 lãi đột biến hơn 1.400 tỷ đồng. Trước khi vụ án bị khởi tố, SCB lãi sau thuế lên tới 718 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Về tài sản, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của SCB luôn duy trì tỷ lệ cao trên 90% từ hàng chục năm nay. Thậm chí năm 2019 và 2020 tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản vượt 97%.

Báo cáo ghi nhận tổng tài sản SCB tính đến 30/6/2022 đạt 761.178 tỷ đồng, còn tổng nợ phải trả 738.054 tỷ đồng. Trong tổng nợ phải trả, dư tiền gửi khách hàng đạt 594.630 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT