Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'

CafeLand

Hơn 17 triệu dân trung lưu – đặc biệt là tầng lớp trẻ cận giàu với thu nhập từ 22,5 triệu – 60 triệu/tháng tại Việt Nam đang trong tầm ngắm của các nhãn hàng xa xỉ. Vertu đã chọn nhà phân phối Di Động Việt để tiếp cận gần hơn với giới trẻ; khách hàng trẻ cũng chiếm phần đáng kể trong 10% khách Việt của hệ thống du thuyền của LuxGroup.

Dù kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với các nhãn hàng xa xỉ

Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh) vào tháng 3/2024, số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 là 752 người, tăng 2,4% so với năm trước đó. Đầu năm 2022, số người siêu giàu Việt Nam đạt 1.059 người, nhưng do nhiều biến động, đến cuối 2022 chỉ còn 734 người.

Tuy nhiên, Knight Frank dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978 người, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn trước cả Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore.

Để được xếp vào nhóm người siêu giàu, cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD (khoảng 740 tỷ đồng) trở lên

Năm 2022, số người giàu - những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD (25 tỷ đồng) trở lên, cũng tăng 70% trong 5 năm qua, từ 40.971 người vào 2017 lên gần 70.000. Knight Frank cũng cho rằng: Việt Nam sẽ có hơn 112.200 người giàu vào 2027, tương đương mức tăng trưởng 173% trong 10 năm.

Tuy nhiên, để mở rộng thị trường nhanh chóng, nếu các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam chỉ nhìn vào con số hơn 70.000 người giàu và siêu giàu, là không đủ. Có thể tầng lớp trung lưu trẻ - đặc biệt là lớp cận giàu với thu nhập từ 22,5 triệu – 60 triệu/tháng, không nhiều tiền bằng tầng lớp thượng lưu, nhưng họ đông hơn và chịu chi hơn.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 1.

Theo một báo cáo của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022, tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số (tầm 13 triệu người) và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Còn theo World Data Lab, trong năm 2024, có thêm 4 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu; dự đoán đến năm 2023, tầng lớp trung lưu Việt sẽ có thêm 23,2 triệu người.

Theo báo cáo 3/2021 của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người. "Ngày càng có nhiều người Việt trẻ trưởng thành sở hữu tài sản trên 250.000 USD (6,3 tỷ đồng). Đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, tầng lớp trung lưu gia tăng không ngừng", ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC chia sẻ trong 1 sự kiện vào đầu 2024.

Năm 2022, do người giàu Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi ra nước ngoài cộng thêm 'tâm lý mua sắm' trả thù; ngành xa xỉ phẩm đã có một năm rực rỡ.

Theo số liệu từ Vietdata, các doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam có tổng doanh thu gần 25.000 tỷ đồng (983 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế hơn 3.825 tỷ đồng năm 2022. Hai con số này lần lượt tăng 67% và 2,7 lần so với năm 2021.

Các con số trên được thống kê từ 12 doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh khoảng 34 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Rolex, Calvin Klein, Charles & Keith, Zara... Trong số này, Louis Vuitton là đơn vị có doanh thu cao nhất, đạt hơn 2.360 tỷ đồng, còn quán quân về lợi nhuận là Dior với hơn 558 tỷ đồng.

Trong năm 2023 và nửa năm 2024, do nền kinh tế nói chung vẫn đang ảm đạm, sức mua ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam có chút giảm sút, nhưng vẫn khá tích cực nếu so với các thị trường khác.

Theo Savills, trong năm 2023, các thương hiệu thời trang xa xỉ mở rộng có chọn lọc vào Việt Nam. Theo báo cáo quý IV/2023, giá trị thị trường bán lẻ cao cấp được dự báo tăng trưởng ở mức 3,2% đến năm 2028 và thời trang là phân khúc lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến đạt 298,6 triệu USD vào năm 2024.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 2.

Cửa hàng Catier mới mở tại TP.HCM vào đầu năm 2024. Nguồn: Cartier

Quý I/2024, nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam trong những tháng đầu năm, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe…"Điều này khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực luxury cluster hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu", bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM tiết lộ.

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD. Doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024.

Đơn vị này đánh giá: thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,10% (CAGR 2024-2028). Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.

Statista cũng cho biết thêm: thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024. Con số này minh chứng rằng: càng ngày các nhãn hàng xa xỉ càng quan tâm đến tệp khách hàng trẻ trung lưu tại Việt Nam.

Các nhãn hàng xa xỉ tiếp cận giới trẻ bằng cách nào?

Theo đại diện của Vertu Global: họ đã bắt đầu tập trung nhiều hơn ở thị trường châu Á trong vòng 5 năm qua. Còn lý do Vertu chính thức trở lại Việt Nam 2 năm trước là vì thời điểm đó, Vertu nghĩ Việt Nam là đất nước đang phát triển, có rất nhiều tiềm năng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong 5 năm qua, sự tăng trưởng của khách hàng Vertu tại Việt Nam và những phân tích thị trường trong tương lai ở Việt Nam chính là tiền đề để họ mở rộng thị trường, đem Vertu chính hãng quay lại phục vụ khách hàng Việt Nam. Tại Việt Nam, Vertu cũng có tệp khách hàng riêng, trước cả khi Vertu có đơn vị phân phối độc quyền ở Việt Nam.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 3.

Cửa hàng của Vertu tại TP.HCM tọa lạc tại sảnh khách sạng Caravelle Saigon.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 4.

Danh mục và giá sản phẩm của Vertu ngày càng đa dạng - phong phú.

"Vertu Globalcó những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt đối với việc ký kết hợp tác, tìm đơn vị phân phối ở các quốc gia và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đã dành ra 3 năm để tìm hiểu, đánh giá thị trường Việt Nam và cả những đơn vị tiềm năng có thể đại diện chúng tôi ở Việt Nam. Trong đó, Di Động Việt là đơn vị đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chúng tôi đang tìm kiếm ở một đơn vị phân phối.

Sau 2 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Vertu Việt Nam chứng minh được năng lực qua doanh số bán hàng. Đồng thời, Di Động Việt cũng đưa ra chiến lược rất rõ ràng cho hướng đi trong tương lai như việc mở rộng đối tượng khách hàng, lan tỏa thương hiệu mạnh mẽ hơn ở thị trường Việt Nam…", đại diện Vertu Global tiết lộ.

Để trẻ hóa tệp khách hàng của mình, ngoài chọn Di Động Việt để hợp tác phân phối, giải pháp khác của Vertu chính là đa dạng hóa danh mục sản phẩm và giá cả.

Việc phạm vi về giá sản phẩm của Vertu ngày càng mở rộng, đã khiến không chỉ giới thượng lưu hay giới doanh nhân, chính khách, mà thậm chí là giới trẻ, những người có thu nhập cao hay gia đình có điều kiện… đều có thể trải nghiệm - sở hữu Vertu. Hiện giá các sản phẩm của Vertu trải dài từ vài tỷ, vài trăm triệu đến vài chục triệu.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ngọc Ngân – CEO Vertu Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Ngân – CEO Vertu Việt Nam bổ sung: "Thách thức lớn nhất của chiến lược này có lẽ chỉ là vấn đề đo lường và chọn lọc kỹ hơn nhóm khách hàng trẻ có mức thu nhập khá cao hoặc thuộc diện 'con nhà có điều kiện'.

Đặc biệt, có hai yếu tố rất quan trọng đối với tất cả những khách hàng chọn Vertu đó là: họ đều có nhu cầu sở hữu điện thoại độc bản để thể hiện cá tính bản thân, có nhu cầu nâng tầm đẳng cấp, khẳng định vị thế qua việc sở hữu một sản phẩm công nghệ xa xỉ".

Trong buổi ra mắt sản phẩm mới Metavertu 2 (giá 134.900.000 đồng) mới đây, ông Nguyễn Ngọc Ngân cũng cho biết thêm: doanh thu bán hàng của Vertu tại Việt Nam đạt 300 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2024.

Hiện tại, để phục vụ nhóm khách hàng trẻ mới, Vertu Việt Nam đã mở rộng kênh bán hàng, không chỉ qua website chính thức mà còn bán hàng thông qua kênh TikTok Vertu Việt Nam, bán hàng thông qua affiliate (tiếp thị liên kết)...

Không chỉ Vertu mà LuxGroup cũng thấy được tệp khách hàng tiềm năng của mình ở hiện tại và trong tương lai trong tầng lớp trung lưu trẻ Việt Nam. Hiện LuxGroup có 3 du thuyền hạng sang với giá tour ngắn tầm trên dưới 120USD và tour dài ngày từ 500USD - 800USD.

Đặc biệt, du thuyền Emperor Cruises Nha Trang có tour đi về trong ngày hoặc tour ngắm hoàng hôn với giá từ 800.000 đến 1.500.000/người tùy thời điểm. Đây là mức giá khá dễ tiếp cận cho tầng lớp trung lưu Việt Nam. Trong năm 2025, LuxGroup cũng sẽ giới thiệu thêm 1 du thuyền chuyên du hành ở biển Phú Quốc, tập trung khai thác tuyến ngắn với mức giá phải chăng như ở Nha Trang.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 6.

Tour ngắm hoàng hôn của du thuyền Emperor Cruises Nha Trang.

"Chúng tôi phát triển theo ngôn ngữ, 5 thị trường Inbound và 1 thị trường Việt Nam cho khách Việt Nam. Tổng chung, thị trường Việt Nam chỉ chiếm 10% của chúng tôi; phần lớn ở mảng du thuyền Lux Cruises đang hoạt động tại cảng vùng biển đẹp nhất Việt Nam như Nha Trang, Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Lan Hạ (Hải Phòng).

Chúng tôi đã tạo làn sóng đi du thuyền người Việt Nam trong Covid và sau Covid. Năm 2022, 2023, chúng tôi kín phòng trên các du thuyền từ 3-6 tháng trước mùa hè. Thị trường Việt Nam theo mùa vụ và đông nhất dịp hè, các dịp lễ tết", ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup cho hay.

Cũng theo ông, thị trường du lịch hạng sang ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 5% thị phần, nhưng sẽ ngày càng tăng mạnh. Khách hàng Việt lớn tuổi chọn đi du thuyền của LuxGroup là vì thích yên tĩnh, muốn có khoảng lặng tuyệt đối trước khi quay trở về với gia đình và công việc. Còn khách hàng trẻ đến với họ là muốn được lần đầu khám phá du lịch sang chảnh, do bạn bè giới thiệu hoặc vì những khung hình đẹp.

Động lực tăng trưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam: Giới trẻ trung lưu thích thể hiện và 'con nhà có điều kiện'- Ảnh 7.

Ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup

"Khách Tây và Việt cũng khác về phong cách du lịch; tuy nhiên, do đều là tầng lớp tinh hoa nên tất cả đều có gu nhất định trong phong cách ăn mặc thẩm mỹ, chọn tàu thuyền, hướng dẫn... Nhiều người Việt – dù sang trọng hay khách thường đều thích mua sắm, thích vui chơi – ví dụ như hát karaoke; còn khách phương Tây thích 'quiet luxury' hơn. Nói chung là với người Việt thì càng đông càng vui.

Khách Việt trẻ của chúng tôi thường là người năng động, có thu nhập tốt - có gu, đi du lịch rất nhiều. Với tệp khách hàng này, có khi chỉ vì muốn có bức ảnh đẹp họ sẵn sàng xin nghỉ việc để ngao du ngay. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ làm remote cũng dễ đi chơi hơn thế hệ trước!

Cảm tính mà nói: chúng ta mới bước đầu khai thác 10% tiềm năng thị trường mới nổi 100 triệu dân – với tầng lớp trung và cao cấp đang chiếm 40% dân số. Nhưng để phục vụ phân khúc cao cấp này không dễ, bởi họ cần dịch vụ - trải nghiệm cũng như cách hưởng thụ khác phần còn lại của thị trường phổ thông", ông Phạm Hà phân tích.

Quỳnh Như

Quỳnh Như