Giá xăng có thể tăng trở lại tại kỳ điều hành chiều 6/2

Tại kỳ điều hành chiều 6/2, giá xăng được dự báo tăng khoảng 200-230 đồng/lít. Trái lại, giá dầu được dự báo giảm nhẹ.

Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (6/2).

Dựa trên diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 6/2 có thể được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể tăng khoảng 200-230 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel có khả năng giảm khoảng 30 đồng/lít.

Trong trường hợp cơ quan điều hành chi Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn hoặc giữ nguyên.

Giá xăng có thể tăng trở lại tại kỳ điều hành chiều 6/2- Ảnh 1.

Giá xăng được dự báo tăng nhẹ tại kỳ điều hành chiều 6/2

Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 232 đồng (1,1%) lên mức 20.622 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng 202 đồng (1%) về mức 21.202 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này tăng giảm nhẹ, trong đó dầu hỏa có thể tăng 0,8% lên mức 19.504 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 0,7% về mức 17.379 đồng/kg, dầu diesel có thể giảm 0,1% về mức 19.225 đồng/lít. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước sẽ đảo chiều tăng sau phiên giảm vào cuối tuần trước.

Trên thị trường thế giới, giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch 4/2 (giờ Mỹ). Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,63% xuống 72,70 USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,32%, đạt 76,20 USD/thùng.

Theo phân tích của ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính Price Futures Group,trong giai đoạn đầu phiên ngày 4/2, giá dầu WTI giảm do chịu áp lực khi Mỹ áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và dẫn đến biện pháp trả đũa tương tự từ Bắc Kinh. Khi đó, giá dầu WTI có lúc giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2024.

Cùng quan điểm này, ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA nhận định căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu dầu, gây thêm áp lực lên giá. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể chủ động làm suy yếu đồng NDT nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thêm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá dầu WTI sau đó đã phục hồi phần nào khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp đặt "áp lực kinh tế tối đa" lên Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt và cơ chế thực thi trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT