Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm báo lợi nhuận 'giảm tốc' trong quý III/2023

Hà Thị Lưu Luyến

Dược Hậu Giang, Dược Hà Tây hay Imexpharm... là những doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm tốc trong quý III/2023. Dù vậy, kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp vẫn rất khả quan.

Bước qua quý III năm nay, không it doanh nghiệp ngành dược kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí có doanh nghiệp đầu ngành còn báo lãi thấp kỷ lục.

Dược Hậu Giang (MCK: DHG, sàn HoSE) báo cáo doanh thu quý III/2023 giảm 5,3% xuống 1.099 tỷ đồng, giảm 5% so với quý III năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,8% xuống 46,8%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng thời tăng 13% và 29%. Qua đó, lãi ròng đạt 166 tỷ đồng, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tương tự Dược Hà Tây (MCK: DHT, sàn HoSE) báo cáo doanh thu quý vừa qua giảm 3% xuống 479 tỷ đồng. Khấu trừ cho giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp gần 47 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 8%. Kết quả, DHT lãi ròng giảm 21% xuống 18 tỷ đồng – thấp nhất 2 năm.

Còn tại Dược phẩm Trung ương 3 (MCK: DP3, sàn HNX) đạt 91 tỷ đồng doanh thu quý III, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Song, chi phí bán hàng giảm 27% về 29 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm 18% về 12 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận ròng tăng 16% lên 19 tỷ đồng.

doanh-nghiep-duoc-pham-bao-loi-nhuan-giam-toc-trong-quy-iii-2023-1698119920.jpg
Dù kết quả kinh doanh quý III "đi lùi" nhưng các doanh nghiệp dược vẫn hưởng lợi nhờ hai quý đầu năm

Dược phẩm Trung ương Vidipha (MCK: VDP) báo doanh thu quý III đạt 214 tỷ đồng, giảm 15% so với quý III/2022. Trong kỳ chi phí bán hàng được tiết giảm 28% còn 25 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 50% lên gần 20 tỷ đồng. Qua đó, lãi ròng kỳ này chỉ đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 28%.

Trong khi đó, Dược phẩm Imexpharm (MCK: IMP, sàn HoSE) dù ghi nhận doanh thu quý III 467 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 70 tỷ đồng tăng lần lượt 12% và 25% nhưng vẫn là mức thấp nhất trong 4 quý (giai đoạn quý IV/2022 – quý III/2023 ghi nhận từ 78 – 80 tỷ đồng).

Công ty cho biết nhờ chiến lược mở rộng thị trường, cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra giúp doanh thu thuần tiếp tục tăng; đồng thời, quản lý hiệu quả chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

Hiếm hoi có doanh nghiệp "ngược dòng" đó là Dược Danapha (mã DAN, sàn UPCoM) khi báo lợi nhuận quý III cao nhất trong vòng 7 năm đạt 31 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 13%, biên lãi gộp cải thiện và chi phí bán hàng giảm 44% là các yếu tố chính giúp lợi nhuận tăng mạnh.

Thực tế dù kết quả kinh doanh quý III/2023 "đi lùi" nhưng hầu hết doanh nghiệp dược phẩm vẫn có lợi nhuận lũy kế 9 tháng tăng trưởng nhờ kinh doanh tích cực trong hai quý trước, thậm chí có đơn vị đã vượt chỉ tiêu cả năm.

Đó là Dược Hà Tây tổng kết 9 tháng đầu năm với doanh thu 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, thực hiện được 95% kế hoạch năm; lãi trước thuế và lãi ròng lần lượt gần 90 tỷ đồng và 70 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, vượt 12% so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Dược phẩm Vidipha đạt tổng doanh thu 731,8 tỷ đồng, tăng nhẹ và lãi sau thuế tăng 12% lên 59 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2022. Doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang cũng thực hiện được 77% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm sau 9 tháng với 867 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Imexpharm tiến sát mục tiêu năm khi hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận với 286 tỷ đồng. Còn Dược Danapha vượt 52% mục tiêu lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng 80% đạt 94 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)