NHNN nói gì về đề xuất thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng 3 năm/lần

Góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012, Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung quy định thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần.

Đề xuất thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi là dự thảo nghị định).

Góp ý vào dự thảo, Bộ Công an đề nghị xem xét, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng của các đơn vị này.

Trong đó, nghiên cứu xem xét quy định bắt buộc các đơn vị này phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ (hàng năm) đối với hoạt động sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng.

Ngoài ra, xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phối hợp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

NHNN nói gì về đề xuất thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng 3 năm/lần - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đủ điều kiện được cấp phép sản xuất vàng miếng thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính (trong đó có nội dung về hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại) hàng năm hoặc bán niên theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nghị định đã quy định trách nhiệm của NHNN, các bộ, ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng theo chức năng nhiệm vụ và việc phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật về thanh tra hiện nay đã có quy định cụ thể về thanh tra theo kế hoạch, thanh tra chuyên đề.

Đề xuất kiểm soát giá mua bán vàng

Một vấn đề đáng chú ý khác là Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về cơ chế quản lý và biện pháp kiểm soát giá mua - bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Cụ thể, các đơn vị kinh doanh cần ban hành quy trình rõ ràng và có khả năng giải trình về cách thiết lập, điều chỉnh giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử).

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng...).

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

Về vấn đề này, NHNN cho hay, theo Luật Giá 2012 (sửa đổi 2023), vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Giá mua - bán vàng do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại niêm yết trên cơ sở cung - cầu thị trường và theo quy định pháp luật.

Cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo đó, khoản 1 Điều 16 quy định về phạm vi sử dụng Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng để can thiệp thị trường ngoại tệ và vàng trong nước.

Trong khi khoản 1 Điều 18 quy định: "Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia và tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước, NHNN xây dựng cơ chế can thiệp thị trường trong nước trong từng thời kỳ".

Còn khoản 1 Điều 19 quy định: "Căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, nhu cầu vàng để can thiệp thị trường trong từng thời kỳ, khối lượng vàng đã sử dụng can thiệp, yêu cầu an ninh quốc gia, Thống đốc NHNN quyết định việc mua, bán vàng trên thị trường quốc tế phục vụ can thiệp thị trường vàng trong nước".

Có thể thấy, Nghị định 50/2014/NĐ-CP đã quy định cơ chế NHNN can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi cần thiết.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT