Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nợ xấu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong quý I/2023

Hà Thị Lưu Luyến

Nhiều ngân hàng công bố lãi lớn trong quý I/2023 nhưng song song với đó nợ xấu cũng tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng vượt ngưỡng 3%.

Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, số dư nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 tăng 24% so với hồi đầu năm, lên trên 170.134 tỷ đồng. Gần 90% ngân hàng trong số đó ghi nhận nợ xấu tăng.

Số dư nợ xấu tăng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 3%, thậm chí ghi nhận ở mức hai chữ số như: NCB, VPBank, Vietbank, ABBank, VIB.

Ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất quý I/2023 với 28.939 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến 31/3 chỉ hơn 13.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ công ty tài chính tiêu dùng.

Tiếp đến là BIDV với quy mô nợ xấu ở mức 24.730 tỷ đồng, tăng 40% sau 3 tháng. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của BIDV vẫn ở mức dưới 2% (1,59%).

Cũng trong nhóm Big4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) xếp thứ ba với số dư nợ xấu tăng 7,8%, vượt 17.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có số dư nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%. Cũng trong 3 tháng đầu năm lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt 11.221 tỷ đồng trước thuế và 8.992 tỷ đồng sau thuế, tăng gần 13% so với cùng kỳ.

no-xau-ngan-hang-dong-loat-tang-manh-trong-quy-i-2023-1683537331.jpg
Ảnh minh họa

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt lãi trước thuế gần 5.157 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 31/3, số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% sau 3 tháng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) báo lãi trước và sau thuế trong quý I/2023 lần lượt đạt 1.765 tỷ đồng và 1.413 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý I/2022. Nợ xấu nội bảng trong 3 tháng đầu năm tăng đến 84%, lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.

Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận số dư nợ xấu tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua. Ngân hàng này công bố lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023 đạt 6.512 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lãi trước thuế quý I/2023 đạt 870,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Song số dư nợ xấu tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng từ 1,8% lên 2,3%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng vừa báo lãi trước thuế đạt hơn 983 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%.

Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank… Ngược lại, lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp sẽ bị ăn mòn gần hết bởi các chi phí dự phòng.

Hà Ly (t/h)