Phúc thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo xin giải tỏa kê biên tài sản

Tại phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát ngày 27/3, tài xế của bà Trương Mỹ Lan xin giải tỏa 13 tỷ đồng bị kê biên trong 3 sổ tiết kiệm. Còn vợ cựu Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt cũng xin giải tỏa kê biên nhiều cổ phần.

Tài xế của Trương Mỹ Lan xin giải tỏa số tiền 13 tỷ đồng

Ngày 27/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX tập trung xét hỏi để làm rõ nhiều số tiền khổng lồ sau khi được rút ra khỏi SCB được vận chuyển về đâu và sử dụng vào mục đích gì.

Trong đó, người vận chuyển số tiền đặc biệt lớn cho bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là Bùi Văn Dũng (tài xế của bị cáo Lan).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dũng rút kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giữ nguyên kháng cáo về xử lý vật chứng. Theo đó, bị cáo xin giải tỏa phong tỏa 3 tài khoản tiết kiệm có hơn 13 tỷ đồng, vì cho rằng đây là số tiền của bản thân, gia đình, không liên quan đến Trương Mỹ Lan.

Phúc thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo xin giải tỏa kê biên tài sản- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại tòa

Khi được HĐXX hỏi có phải được Trương Mỹ Lan trả công 1 tỷ đồng cho mỗi lần vận chuyển tiền không?, bị cáo Dũng đáp chỉ được bị cáo Lan trả công 50 triệu đồng chứ không phải 1 tỷ đồng như bản án sơ thẩm xác định.

Bị cáo Dũng trình bày, số tiền 13 tỷ đồng gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng mẹ vợ cho, tiền bán nhà được 600 triệu và tiền bị cáo làm môi giới bất động sản.

Khi HĐXX yêu cầu Dũng cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh, bị cáo nói có cung cấp giấy tờ liên quan đến tiền má vợ cho và tiền bán nhà; còn tiền có được từ môi giới bất động sản, bị cáo chỉ môi giới bằng miệng, nhận tiền mặt nên không có giấy tờ để cung cấp cho HĐXX.

Trước đó, bản án sơ thẩm nêu rõ, sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thái Thị Thanh Thảo (cựu Giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc Ngân hàng SCB, Chi nhánh Sài Gòn) thông báo cho Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) để xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng tại hầm B1, trụ sở Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Tiếp đến, Dũng sẽ vận chuyển tiền về Tòa nhà Sherwood tại số 127 Pateur, quận 3, Tp.HCM giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan).

Sau đó, Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; hoặc Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Trần Xuân Phượng (trợ lý cho Ngô Thanh Nhã – em dâu bị cáo Lan). Ngoài ra, bị cáo Dũng còn trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Dũng được xác định đã giúp sức Trương Mỹ Lan che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng 6.300 tỷ đồng.

Với hành vi trên, bị cáo Bùi Văn Dũng bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội Rửa tiền.

Vợ cựu Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt đề nghị giải tỏa kê biên

Được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI) kháng cáo, về việc tòa án sơ thẩm tuyên kê biên phần vốn góp của các cổ đông góp vốn tại TVSI và 10% phần vốn góp của TVSI tại Công ty Bảo hiểm FWD và một số tài sản khác.

Tại tòa, bà Tống Thị Thanh Hòa (vợ ông Nguyễn Tiến Thành - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt) cho rằng, do ông Thành đã chết nên bà thuộc hàng thừa kế đầu tiên. Do vậy, bà đề nghị tòa gỡ bỏ các biện pháp kê biên, ngăn chặn đối với các tài sản, tài khoản đứng tên ông Thành và các thành viên trong gia đình.

Lý giải cho yêu cầu kháng cáo trên, bà Hòa cho biết, bản án sơ thẩm đã buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại, đồng nghĩa với việc chồng bà không có nghĩa vụ phải bồi thường. Vì vậy, bà đề nghị tòa gỡ bỏ kê biên đối tài sản là cổ phần, tiền mặt, bất động sản… do ông Thành và cha mẹ đứng tên.

"Việc bị kê biên, ngăn chặn các tài sản liên quan đến chồng và người thân, trong khi ông Thành không được hưởng lợi gì từ sai phạm của bà Lan, đã gây khó khăn về mặt kinh tế cho gia đình tôi", bà Hòa trình bày.

Trước yêu cầu này của bà Hòa, HĐXX giải thích, cấp sơ thẩm không kê biên, ngăn chặn tài sản của ông Thành mà chỉ kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Và việc xác minh tài sản không chỉ của mình ông Thành mà còn của 2 người đã chết khác là: Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT, cựu Phó TGĐ Ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Ngọc Dương (cựu TGĐ Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Công ty CP phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam - VIPD).

Từ đó, chủ tọa phiên tòa nói nếu bà Hòa có thắc mắc gì có thể đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an hỏi rõ.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT