Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng

Phạm Thị Tâm

Tính đến hết ngày 31/12/2022, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng.

quy-binh-on-gia-xang-dau-con-4617-ty-dong-antt-1677985625.JPG
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính vừa thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức hơn 4.617 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay.Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư Quỹ bình ổn dẫn đầu với 1.985 tỷ đồng (chiếm tới 43% tổng số dư Quỹ bình ổn giá toàn ngành), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) có số dư âm lớn nhất là hơn 513 tỷ đồng.

So với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng quý IV/2022, tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 2.155 tỷ đồng (từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022). Petrolimex là doanh nghiệp trích lập nhiều nhất, với hơn 991 tỷ đồng, tiếp đến là PV Oil trích lập hơn 282 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương trong quý IV/2022 là trên 2 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ âm trong quý IV/2022 là trên 1,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước điều hành xu hướng tăng giảm giá của xăng dầu. Nên nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Quỹ vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" góp phần bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Tuy vậy, cơ quan quản lý vẫn đưa ra phương án sửa đổi hoạt động quỹ theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng. Theo đó, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.

Bạch Hiền (t/h)