Sau vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2, huyện Sóc Sơn chuẩn bị đấu giá lại 36 thửa đất
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ đấu giá lại 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến từng đấu giá không thành công hôm 29/11 do nhóm đối tượng trả giá cao bất thường tới 30 tỷ đồng/m2 rồi xin rút.
Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 36 thửa tại thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Đây là các lô đất ở, có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài.
Các thửa đất đấu giá có diện tích 90-220,6 m2/thửa; giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng/m2. Người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước theo quy định là 20% giá khởi điểm, tương đương từ trên 44 triệu đồng đến hơn 109 triệu đồng, tùy theo thửa đất.
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, bước giá 3 triệu đồng mỗi m2. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.
Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá đến 17 giờ ngày 25/12, trong giờ hành chính. Thời gian nộp tiền đặt trước từ ngày 25/12 đến 16 giờ ngày 26/12 vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá Hợp danh Thanh Xuân.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp đối với từng thửa đất, theo phương thức trả giá lên. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra lúc 8 giờ 30 ngày 28/12 tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn.
Trước đó, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.
58 thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 90 - 224 m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá là cách bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 5 vòng theo phương thức trả giá lên.
Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm, tương đương tiền đọc cọc dao động trong khoảng từ 223 triệu đồng đến gần 550 triệu đồng.
Khi phiên đấu giá đi đến vòng thứ 5 có một số lô đất được khách hàng trả giá cao bất thường. Cụ thể, có 3 lô đất trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2 (lô A12, A13, C6); 23 lô đất (A2 đến A10, A15 đến A17, B10 đến B17, B19, C7) cũng đẩy giá lên mức rất cao (98,488 triệu đồng/m2 và 101,488 triệu đồng/m2); 6 lô trả giá gần 68,5 triệu đồng/m2 (A1, A11, C9, D5 đến D7).
Ban tổ chức đấu giá của huyện đã thông báo đến phiên đấu giá việc sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra xem xét có hành vi gây nhiều loạn kết quả phiên đấu giá hay không nên.
Kết quả là nhiều người đã dừng lại không trả giá ở vòng 6. Điều này dẫn tới việc có 36/58 ô đất đấu giá không thành.
Đến ngày 3/12, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân liên quan đến phiên đấu giá nói trên.
Theo lời khai, trước khi đấu giá, các đối tượng đã xác định mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2 sẽ có thể bán chênh được nên để khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng đã thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc.
Cụ thể, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng thì vào vòng 5 sẽ đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa. Mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công.
Với chiêu thức này đã có 36/58 lô đất bị các đối tượng trên thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 xong bỏ không đấu nữa. Trong đó, Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)…
Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập, các đối tượng được xác định có hành vi thông đồng nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Hoàng Lam (t/h)