Tòa chuẩn bị tuyên án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo
Dự kiến chiều nay, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán.
Sau hai tuần xét xử và nghị án, chiều nay (5/8), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán.
Trong 50 bị cáo hầu tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đánh giá là chủ mưu, cầm đầu và bị đề nghị mức án nặng nhất. Hình phạt đề nghị là từ 5 - 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 19 – 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp từ 24 – 26 năm tù.
Cùng hai nhóm tội trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga tổng hợp 10 - 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung tổng hợp 11 - 13 năm tù.
Nhóm 7 cựu cán bộ ngành chứng khoán bị đề nghị các mức án từ 18 tháng tù đến 9 năm tù về một trong hai tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Công bố thông tin sai lệch hoạch che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Nhóm bị cáo là thuộc cấp của bị cáo Quyết bị đề nghị mức án nhẹ nhất từ 18 tháng tù đến 16 năm tù giam.
Quá trình xét xử, tất cả các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng truy tố là xác đáng. Các bị cáo gửi mong muốn được nhận một mức án khoan hồng để sớm có cơ hội trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.
Được nói lời sau cùng, cựu chủ tịch FLC xin lỗi các bị hại trong vụ án, đồng thời xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các cấp dưới bị vướng vòng lý. Bị cáo nói vụ án bài học, "ân hận suốt quãng đời còn lại của bị cáo".
Về việc khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định, nếu tòa tuyên buộc phải bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa để khắc phục.
Tiếp đó, cựu chủ tịch FLC cho biết bị cáo đang nắm giữ hơn 30% cổ phần Tập đoàn FLC và nhiều lần đã đề nghị được bán để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, số cổ phần trên vẫn "đóng băng".
Ông Quyết cũng cho biết, trước khi phiên xử diễn ra, bị cáo đã bán hãng hàng không "tâm huyết" là Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng. Số tiền này, phía đối tác mới trả 200 tỷ đồng, bị cáo Quyết đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Khoảng 500 tỷ còn lại, thời gian tới, khi đối tác chuyển thêm, bị cáo Quyết nói sẵn sàng nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự.
Đến ngày 26/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết được VKSND ghi nhận đã bồi thường hơn 237 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Tuy nhiên, bị cáo Quyết ký khống hồ sơ, lập chứng từ góp vốn khống để nâng vốn doanh nghiệp lên hơn 4.300 tỷ đồng. Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên HOSE để bán (tương đương giá trị 4.300 tỷ đồng), chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, cáo trạng xác định: Từ năm 2017 đến 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng.