Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Doanh nghiệp xăng dầu mới chỉ sử dụng hơn nửa số tiền 96.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng

Lê Đức Bình

Theo NHNN, khoảng 56% hạn mức được các ngân hàng cấp chưa được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết, tương đương với 96.053 tỷ đồng. 

cay-xang-1679388259.jpg
Năm 2022, nhiều cây xăng ngừng bán hàng do thua lỗ, giảm quy mô kinh doanh. Ảnh minh họa.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Cơ quan quản lý tiền tệ đã giải đáp đề nghị từ phía cử tri rằng NHNN nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ. Trả lời cử tri, NHNN khẳng định rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được NHNN chỉ đạo các ngân hàng chú ý quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng. Các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu với lãi suất ưu đãi và cung cấp đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này.

Theo NHNN: "Đặc biệt từ tháng 3/2022, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu".

Đến tháng 12/2022, dựa trên số liệu được cung cấp bởi 27 ngân hàng thương mại, tổng hạn mức các ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng. Khoảng 56% hạn mức được các ngân hàng cấp chưa được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết, tương đương với 96.053 tỷ đồng.

Các ngân hàng thường có mức lãi suất ưu đãi hơn cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn vào khoảng 9,4-10,5%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ dao động trong khoảng 2,1-4,5%/năm.

Những ảnh hưởng bất thường trên thị trường xăng dầu thế giới khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nặng nề nên đã thu hẹp sản xuất và nhập khẩu “nhỏ giọt” dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu. Năm 2022 chứng kiến nhiều trường hợp cây xăng ngừng bán hàng xảy ra trên diện rộng, phổ biến tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, nơi thì cho biết không có nguồn nhập hàng, một số nơi thì nói rằng càng bán thì càng lỗ.

Khó khăn phần lớn đến từ những quy định về định mức chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp... chứ không đến từ hạn mức tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong phiên thảo luận về KT-XH tháng 10/2022, ông cho biết rằng ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.

Bình Đức (t/h)