Chứng khoán Kafi lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng
Chứng khoán Kafi sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ ngày 18/11 - 28/11/2024 về việc thay thế phương án tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 7.
CTCP Chứng khoán Kafi vừa thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ lên tối đa 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch này thay thế cho phương án đã được ĐHĐCĐ phê duyệt từ tháng 7/2024.
Thời gian chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/11/2024 và gửi phiếu lấy ý kiến cùng tài liệu dự thảo vào cùng ngày. Thời hạn cuối cùng để cổ đông gửi lại ý kiến là 28/11/2024.
Trước đó, Kafi đã thông qua phương án tăng vốn bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Số cổ phiếu chào bán là 250 cổ phần, tương đương tỷ lệ 1:1. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Việc tăng vốn nhắm mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động kinh doanh của Công ty. Bổ sung vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép như môi giới, tư vấn đầu tư, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành. Đồng thời, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống an toàn bảo mật, phát triển sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngày 17/10/2024, HĐQT của Kafi đã có nghị quyết triển khai phương án tăng vốn. Trong đó nêu rõ tỷ lệ dự kiến phân bổ cho các mảng hoạt động gồm 45% cho tự doanh, 45% cho vay ký quỹ và 5% cho môi giới chứng khoán.
Chứng khoán Kafi tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đổi tên thành Chứng khoán Globalmind Capital.
Trước đó, công ty này đã liên tục tăng vốn trong 3 năm qua. Năm 2022, công ty tăng vốn từ 155 tỷ đồng (năm 2019) lên 1.000 tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục nâng lên 1.500 tỷ đồng.
Đến nửa đầu 2024, công ty tiếp tục nâng vốn điệu lệ lên 2.500 tỷ đồng như hiện tại. Tại thời điểm quý III/2024, Chứng khoán Kafi có 2 cổ đông lớn là CTCP Ubiben và Gentle Sun Investments, lần lượt nắm giữ 10,065% và 20% vốn.
Uniben là doanh nghiệp sở hữu Mì 3 miền, trà mật ong Boncha và có nhiều mối liên hệ với VIB. Sau nhiều lần mua vào bán ra cổ phiếu VIB, theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của VIB công bố ngày 27/09 vừa qua, Uniben nắm giữ 116,2 triệu cổ phiếu VIB tương ứng 3.901% vốn tại VIB, tăng so với mức 2,617% tại thời điểm công bố hồi đầu tháng 8/2024.
Về tình hình kinh doanh gần nhất, theo báo cáo tài chính quý III/2024, Chứng khoán Kafi ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 264 tỷ đồng, tăng 105,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, mảng tự doanh đóng góp gần 152 tỷ đồng, tăng gần 62%. Tăng mạnh nhất là hoạt động cho vay khi gấp 4 lần cùng kỳ, đem về 86 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nghiệp vụ môi giới đem về 26 tỷ đồng gấp hơn 2 lần cùng kỳ nhưng chi phí mảng này lên tới gần 27 tỷ đồng. Qua đó, mảng môi giới của Chứng khoán Kafi lỗ thuần hơn 800 triệu đồng.
Kết quả, Chứng khoán Kafi báo lãi ròng quý III/2024 đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Kafi mang về doanh thu gần 616 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 117 tỷ đồng lần lượt tăng 95% và 72% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Chứng khoán Kafi ở mức 12.795 tỷ đồng, tăng tới 96% so với đầu năm.
Danh mục tài sản chính FVTPL chiếm 7.547,2 tỷ đồng, tương đương 59% tổng tài sản, và tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là giấy tờ có giá và tiền gửi có hạn với giá gốc 5.471 tỷ đồng, gồm 2.471 tỷ đồng giấy tờ có giá của BIDV và 1.363 tỷ đồng giấy tờ có giá của VIB.
Danh mục cổ phiếu niêm yết có giá gốc 607,5 tỷ đồng, tạm lãi 37 tỷ đồng, bao gồm 360 tỷ đồng cổ phiếu VIB, còn lại là cổ phiếu khác.
Trái phiếu chưa niêm yết của tổ chức tín dụng có giá gốc 977 tỷ đồng, gồm 310 tỷ đồng trái phiếu của Vietcombank, 217 tỷ đồng trái phiếu của VIB, 100 tỷ đồng trái phiếu của BID và trái phiếu khác 350 tỷ đồng. Chứng khoán Kafi thuyết minh trong số các trái phiếu chưa niêm yết này có 400 trái phiếu mệnh giá 400 tỷ đồng được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay ngắn hạn của công ty.
Dư nợ cho vay đạt gần 4.680 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với đầu năm, chủ yếu là cho vay hoạt động ký quỹ.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả ghi nhận 10.108 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm 9.874 tỷ đồng, 4.887 tỷ đồng trong số này là vay ngân hàng, gần 5.000 tỷ đồng còn lại là vay từ các tổ chức cá nhân theo các gói giao dịch K-Wealth.