Dự báo trái chiều về biến động giá xăng tại kỳ điều hành ngày 13/2
Một số doanh nghiệp đầu mối dự báo, giá xăng dự kiến tăng khoảng 100-150 đồng/lít. Trái lại, VPI dự báo giá xăng giảm nhẹ và duy trì dưới ngưỡng 21.000 đồng/lít.
Theo kế hoạch, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (13/2).
Căn cứ diễn biến thị trường thế giới, một số doanh nghiệp đầu mối dự báo, giá xăng dự kiến tăng khoảng 100-150 đồng/lít, dầu diesel có thể giảm nhẹ 10-50 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giữ nguyên.

Ảnh minh họa
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 0,7% mức 20.307 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 0,8% về mức 20.763 đồng/lít.
Mô hình của VPI cũng dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm, trong đó dầu diesel có thể giảm 1,5% về mức 18.770 đồng/lít, dầu hỏa có thể giảm 1,2% về mức 19.181 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 1,3% về mức 17.584 đồng/kg.
VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 tăng 3 lần, giảm 3 lần. Giá dầu diesel có 4 lần tăng, 2 lần giảm.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 6/2, cơ quan điều hành quyết định tăng 50 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 20.440 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít, còn 20.920 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm 190 đồng/lít còn 19.050 đồng/lít; dầu hỏa giảm 20 đồng/lít, về mức 19.410 đồng/lít; dầu mazut cũng giảm 150 đồng/kg còn 17.350 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên 11/2, giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần bởi các lệnh trừng phạt làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu của Nga và Iran cũng như căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, theo Reuters.
Giá dầu Brent tăng 1,13 USD, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 77 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1 USD, tương đương 1,4%, đóng cửa ở mức 73,32 USD/thùng.
Nhà phân tích John Evans của PVM cho biết việc Mỹ hạn chế xuất khẩu của Iran và các lệnh trừng phạt vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô của Nga, và thúc đẩy đợt tăng giá mới từ ngày 10/2 đối với giá dầu thô châu Á.
Một yếu tố khác khiến giá dầu thô bật tăng mạnh là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các mạng lưới vận chuyển dầu của Iran tới Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục "sức ép tối đa" đối với xuất khẩu dầu của Iran vào tuần trước.
Theo dữ liệu của Trading Economics, 9h ngày 12/2, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 73,13 USD/thùng, tăng 3% so với tuần trước; tương tự, dầu Brent cũng ở mức 76,78 USD/thùng, tăng 2,86%.
Hoàng Lam (t/h)