Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngấm đòn thua lỗ từ 2022, nhiều doanh nghiệp rút đầu tư chứng khoán

Hà Thị Lưu Luyến

Sau năm 2022 thua lỗ, bước sang quý đầu năm 2023, Petrosetco, Licogi 14 hay SAM Holdings là những doanh nghiệp điển hình đang giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong cơ cấu tài sản, dần rút khỏi thị trường chứng khoán.

Giai đoạn 2020 - 2021, nền kinh tế chung bị hạn chế bởi đại dịch COVID-19, dòng vốn rẻ đã tìm đến kênh đầu tư chứng khoán, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung thăng hoa.

Thế nhưng bước sang năm 2022, những biến động mạnh của thị trường đã lấy đi thành quả của nhà đầu tư. Hệ quả đó kéo dài sang quý đầu năm 2023, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải thoái dần các khoản đầu tư, dần rút khỏi thị trường chứng khoản.

Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET). Từ năm 2020, Petrosetco liên tục đổ tiền vào chứng khoán với số tiền từ 68,1 tỷ đồng lên 231,6 tỷ đồng vào năm 2021. Khoản đầu tư đỉnh điểm ghi nhận là 419,3 tỷ đồng vào ngày 30/6/2022, chiếm 5% tổng tài sản.

Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, công ty này liên tiếp giảm quy mô đầu tư. Tính đến ngày 31/12/2022, công ty chỉ còn đầu tư 10,6 tỷ đồng vào chứng khoán. Tổng kết lại trong năm 2022, Petrosetco ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán lên tới 252,9 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố, PET ghi nhận doanh thu đạt 4.245,8 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 8,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,77 tỷ đồng, về 182,3 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng thêm 17,84 tỷ đồng lên gần 63,8 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính tăng tới 216,5% lên hơn 87,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 1,8%.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của PET ở mức 39,7 tỷ đồng, giảm 55,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sau 3 tháng Petrosetco chính thức không còn đầu tư chứng khoán trong khi khoản đầu tư ở thời điểm đầu năm là 10,63 tỷ đồng.

ngam-don-thua-lo-tu-2022-nhieu-doanh-nghiep-rut-dau-tu-chung-khoan-1683522231.jpg
Bước sang quý I/2023, nhiều doanh nghiệp rút đầu tư chứng khoán

Tiếp đến, Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14) từng có danh mục đầu tư chứng khoán chiếm tới gần 87% tổng tài sản. Thế nhưng, báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố đã ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán cuối kỳ bằng 0 trong khi 3 tháng trước, giá trị khoản mục này là 14,19 tỷ đồng.

Licogi 14 đầu tư chứng khoán từ khoảng cuối năm 2021 với giá trị đầu tư lên tới 486 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng tài sản. Theo thuyết minh của công ty, 298 tỷ đồng được đầu tư vào cổ phiếu CEO và 188 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu DIG. Thời điểm đó, khoản đầu tư chứng khoán đã mang về khoản lãi lên tới 385,3 tỷ đồng, giúp L14 báo lãi sau thuế kỷ lục 371,9 tỷ đồng.

Đỉnh điểm, ngày 30/6/2022 (báo cáo tự lập chưa thay đổi phương pháp ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14), giá trị đầu tư chứng khoán đã lên tới 688,5 tỷ đồng, chiếm 86,8% tổng giá trị tài sản. Công ty tạm lỗ 379,6 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 55,1% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.

Đáng lưu ý, đầu năm 2022, Licogi 14 sở hữu 51% vốn Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, nhưng đến cuối năm giảm sở hữu còn 48,57%, sau khi Đầu tư tài chính Licogi 14 tăng vốn điều lệ từ lên 404,25 tỷ đồng bằng trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP.

Như vậy, Đầu tư tài chính Licogi 14 từ công ty con chuyển thành công ty liên kết của Licogi 14. Ngoài ra, công ty mẹ còn thay đổi phương pháp hạch toán khoản đầu tư vào Đầu tư tài chính Licogi 14 theo phương pháp giá gốc (lãi/lỗ trong kỳ không hợp nhất vào báo cáo của Licogi 14).

Trước khi thay đổi cách hạch toán Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, Licogi 14 cho biết, báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 234,36 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trích lập 379,56 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong danh mục 688,51 tỷ đồng (tạm lỗ 55,1% tổng danh mục). Bằng việc thay đổi cách hạch toán, trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 đã chuyển từ lỗ 234,36 tỷ đồng sang lỗ 23,73 tỷ đồng.

Mới đây nhất, trong báo cáo tài chính quý I/2023, CTCP SAM Holdings (MCK: SAM, sàn: HoSE) cũng thông báo đã bán ra phần lớn danh mục chứng khoán và giảm giá trị đầu tư cổ phiếu.

Trong kỳ, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 439,21 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tài chính giảm 10,9%, còn 42,51 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng giảm 22,5%, còn 22,33 tỷ đồng. Tổng kết, SAM Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 12,85 tỷ đồng, tăng 116,7% so với cùng kỳ.

Công ty thuyết minh về cơ cấu doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi bán các khoản đầu tư ghi nhận 31,3 tỷ đồng, tăng 522,3% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động tài chính khác ghi nhận 5,58 tỷ đồng giảm 84,1% so với cùng kỳ.

SAM Holdings đã bán ra phần lớn danh mục chứng khoán gồm: toàn bộ cổ phiếu DNP, HPG, MBB, SJS và SSI. Hiện, SAM chỉ còn nắm giữ 48,99 tỷ đồng cổ phiếu SJS và 7,2 tỷ đồng cổ phiếu ALP. Sau năm 2022 thua lỗ chứng khoán, SAM Holdings tiếp tục giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong các quý tiếp theo năm 2023.

Hà Ly (t/h)