Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc nâng hạng thị trường chứng khoán trước ngày 30/6

Hà Thị Lưu Luyến

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban ngành khẩn trương xử lý các vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi. Các cơ quan báo cáo kết quả thực hiện vấn đề này với Thủ tướng trước ngày 30/6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Một trong những nội dung được đề cập đó là Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi. Các cơ quan báo cáo kết quả thực hiện vấn đề này với Thủ tướng trước ngày 30/6.

thu-tuong-yeu-cau-bao-cao-viec-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-truoc-ngay-30-6-1708052572.PNG
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban ngành khẩn trương xử lý các vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi. Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Công điện nêu, TTCK đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thực chất hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi.

Tuy nhiên, cần khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên TTCK; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư, đồng thời chủ động cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức tài chính – chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân.

Cũng tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với đó, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2024, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, bảo đảm giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024.

Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tăng sản lượng khai thác nội địa đáp ứng yêu cầu sản xuất điện.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục, di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án ngành giao thông vận tải; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện trong năm 2024, nhất là đường dây 500Kv mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); chỉ đạo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Hà Ly (t/h)